Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Apple được trao bằng sáng chế "phương pháp phủ chất chống bám bẩn Oleophobic lên sapphire"

mat_kinh_saphire.

Trong khi Apple vẫn còn bước những bước đi đầu tiên trong việc kết hợp vật liệu sapphire vào các dòng sản phẩm của mình thì mới đây, một bằng sáng chế mới vừa được trao cho Apple mang tên "công nghệ phủ Oleophobic lên sapphire". Tín hiệu trên cho thấy chúng ta sẽ chứng kiến một sản phẩm nào đó từ Apple có sử dụng mặt kính sapphire trong tương lai không xa. Có thể sẽ những chiếc iPhone hay iPad thế hệ tiếp theo sẽ sở hũu màn hình cảm ứng bằng sapphire chăng?

Tên gọi đầy đủ của bằng sáng chế mà Apple vừa nhận được là "công nghệ phủ Oleophobic lên sapphire" được đệ trình hồi tháng 9 năm 2013 do 2 nhà phát minh Douglas Weber và Naoto Matsuyuki đứng tên. Những hình ảnh minh họa đi kèm với bằng sáng chế đã lặp đi lặp lại việc sẽ áp dụng Sapphire trong các thiết bị di động của Apple như điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị di động khác.

Cụ thể, hồ sơ bằng sáng chế mô tả chi tiết các phương pháp phủ Oleophobic (chất kỵ dầu) lên mảnh sapphire trước khi lắp ráp vào trong các thiết bị di động. Lớp phủ oleophobic được Apple sử dụng lần đầu tiên trên iPhone 3GS nhằm hạn chế sự tích tụ của dầu, các chất nhờn và những mảnh bụi bẩn nhỏ thường hay bám trên màn hình cảm ứng.

Kể từ đó, các thế hệ iPhone và iPad tiếp theo đều được trang bị một lớp phủ oleophobic. Dù vậy, phương pháp phủ oleophobic lên mặt kính Gorilla Glass không thể áp dụng đối với sapphire. Một trong số những lý do là những kỹ thuật tạo liên kết trên bề mặt thông thường không thể áp dụng đối với sapphire bởi đặc điểm về cấu trúc tinh thể.

Hồ sơ bằng sáng chế cũng lưu ý rằng một số chất phủ hoặc oleophobic không thật sự đơn giản khi áp dụng trực tiếp lên bề mặt sapphire. Khi thực hiện thử nghiệm về độ mài mòn, kết quả cho thấy mảnh sapphire được phủ oleophobic hoặc các hợp chất của nhôm dễ bị mài mòn hơn so với thủy tinh bình thường. Cụ thể trong thí nghiệm, sapphire phủ oleophobic bị mài mòn ở chu kỳ mài mòn dưới 300 trong khi đó đối với thủy tinh thông thường, chu kỳ mài mòn cần thiết lớn hơn 300. Thêm vào đó, một số thí nghiệm khác nhằm kiểm tra độ bền của bề mặt cũng cho kết quả tương tự.

bang_sang_che_apple_phu_Oleophobic.

Để giải quyết vấn đề nói trên, Apple đề xuất phương pháp thêm vào một lớp chuyển tiếp giữa mặt kính sapphire và lớp phủ oleophobic. Thêm vào đó, lớp chuyển tiếp chứa các hợp chất có trong sapphire và được trộn chung với hợp chất nhôm, silic. Hình thức chế tạo tương tự như kính cường lực Gorilla Glass của Corning đang sử dụng. Các lớp được tạo nên từ quá trình thổi, lắng đọng vật lý hoặc hơi (PVP hoặc CVP) hoặc một phương pháp chế tạo thích hợp.

Kết quả cuối cùng là một màn hình sapphire dạng bánh sandwich nhưng có cấu trúc bền vững, thống nhất được tạo thành. Sản phẩm cuối cùng vẫn giữ được độ cứng của sapphire nhưng vẫn có sự hiện diện của lớp phủ chống bám dính oleophobic.

Hiện tại chúng ta vẫn chưa thể biết chính xác Apple có sử dụng sapphire cho các dòng iPhone hoặc iPad tiếp theo hay không? Tuy nhiên, bằng sáng chế trên mở ra một triển vọng mới về tính khả thi khi trang bị mặt kính sapphire cho các thiết bị di động của Apple trong thời gian tới.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Apple cũng đã ký một thỏa thuận trị giá 578 triệu đô la với nhà sản xuất kính sapphire GT Advanced Technologies nhằm cung cấp vật liệu siêu cứng cho "một sản phẩm thần bí nào đó". Nhiều nhà phân tích và cả các cổ đông thậm chí đã dự đoán nhà máy sản xuất sapphire chuyên dụng tại bang Arizona của Apple chắc chắn sẽ mang lại một màn hình sapphire trên các thiết bị di động trong tương lai không xa.
Theo AI, USPTO