Lịch sử phát triển 10 năm của Facebook
Hiện nay Facebook có hơn 1 tỉ người dùng trên khắp thế giới và tài sản của công ty đã trở nên đồ sộ đến mức hãng có thể chi hàng tỉ đô để mua lại các doanh nghiệp khác. Thế nhưng, vào năm 2004, tức là thời điểm mới ra đời, Facebook chỉ là một trang mạng để tổng hợp hồ sơ cá nhân của những người bạn có cùng sở thích với nhau. Nó được phát triển dựa trên mô hình nhóm đơn giản và trông có vẻ giống như là một cơ sở dữ liệu hơn là một mạng xã hội có khả năng kết nối mọi người. Chỉ trong một thời gian ngắn, mạng xã hội này đã trở nên phổ biến khắp nước Mỹ rồi vươn ra toàn cầu ở một tốc độ không thể ngờ tới. Và mặc dù đã có nhiều mạng xã hội khác từng lăm le chiếm lấy vị trí dẫn đầu của Facebook nhưng rốt cuộc đến giờ vẫn chưa có ai có thể làm được chuyện đó. Hôm nay, mình mời anh em cùng quay ngược thời gian để xem Facebook đã làm những gì để có được thành công như bây giờ.
Mạng xã hội bắt đầu mọc rễ
Trước khi nói tới Facebook, chúng ta hãy xem mạng xã hội vào những năm 2000 có gì đáng chú ý.
Friendster là một trong những mạng xã hội tiên phong trong lĩnh vực tương tác trên thế giới ảo. Mạng xã hội này ra đời vào năm 2002 và đã có 100 triệu người dùng tính đến năm 2011. Đặt trọng tâm vào việc xây dựng thông tin người dùng cũng như các mối quan hệ trên Interner, Friendster chưa bao giờ có thể phát triển ra khỏi khuôn mẫu của chính mình. Sau nhiều năm trời, Friendster vẫn sử dụng hệ thống tương tác xoay quanh hồ sơ cá nhân nhằm quản lý và chia sẻ dữ liệu trong mạng lưới của mình. Trải qua nhiều đợt liên tục giảm sút lượt truy cập tại Mỹ, Friendster làm mới mình, tập trung vào game và nhóm khách hàng chủ yếu của công ty hiện đang ở Châu Á.
Trước khi Facebook xuất hiện, chúng ta còn có Myspace là mạng xã hội lớn nhất thời bấy giờ. Ra mắt năm 2003, Myspace sử dụng cách trao đổi đơn giản vốn đang thịnh hành thời đó. Thực chất thì mạng xã hội này từng được cho là sẽ mua lại trang của Zuckerberg với giá 75 triệu USD hồi năm 2005 đấy chứ nhưng thương vụ này đã không diễn ra.
Sau khi qua tay News Corp. và một số vụ mua bán khác, Myspace giờ đây chỉ hoạt động như một cổng thông tin nhấn mạnh vào nhạc và các nội dung giải trí. Trong khi đó, những mạng xã hội non trẻ như Facebook và Twitter thì liên tục phát triển và ra mắt nhiều tính năng mới khác nhau theo định kì. Những kẻ mới tham gia này chú ý đến cách mà người ta sử dụng dịch vụ của mình, đồng thời đảm bảo rằng mọi thứ mới đều phải dễ dùng. Hóa ra, điểm này chính là tác nhân chính giúp Facebook và Twitter phát triển được như hôm nay.
Sự khởi đầu
Mark Zuckerberg bắt đầu xây dựng Facebook khi ông 23 tuổi, lúc đó đang theo học ngành tâm lý tại trường Đại học Harvard danh tiếng. Là một lập trình viên rất đam mê máy tính, Zuckerberg thực chất đã phát triển nhiều trang web mạng xã hội cho bạn bè của mình sử dụng, trong đó có Coursematch, sản phẩm cho phép người dùng xem thông tin về bằng cấp, và Facemash, nơi bạn có thể đánh giá mức độ hấp dẫn của người khác.
Vào tháng 2/2004, Zuckerberg ra mắt "The facebook". Cái tên nguyên thủy bắt nguồn từ một tờ báo được phát cho sinh viên năm nhất, trong đó có ghi thông tin về sinh viên và nhân viên của trường. Trong vòng 24 giờ, hơn 1200 sinh viên Harvard đã đăng kí tham gia sử dụng và chỉ sau một tháng, hơn phân nửa số sinh viên của trường đã tạo cho mình một trang hồ sơ trên website này.
Rất nhanh chóng, The facebook lan truyền sang các đại học khác ở Boston, sau đó đến các trường lớn và rồi tất cả mọi cơ sở giáo dục đại học tại Mỹ. Tới tháng 8/2005, Zuckerberg đổi sản phẩm của mình thành Facebook sau khi tên miền "Facebook.com" được mua lại với giá 200.000$. Trong những tháng kế tiếp, ngày càng có nhiều sinh viên, học sinh trên khắp thế giới tìm đến mạng xã hội đầy thú vị này để kết nối với nhau.
Vào những ngày đầu ra mắt, trang hồ sơ của người dùng trên Facebook chỉ có thông tin và thông tin mà thôi. Ở bức ảnh trên là trang Profile của Facebook năm 2005, chúng ta có sở thích của người đó, trạng thái quan hệ, ngày sinh nhật, các mối quan tâm, và quan trọng nhất là tất cả mọi thứ đó đều được gom chung vào một trong duy nhất để dễ truy cập. Chúng ta có thể xem Facebook như một quyển danh bạ online và cũng không khác mấy so với Friendster hay Myspace. Mỗi thông tin do bạn cung cấp sẽ được sử dụng để xếp bạn vào một nhóm người dùng nhất định. Ví dụ, nếu bạn nhập vào mình học lớp 6A9 trường B, bạn bè cùng lớp của bạn sẽ xuất hiện. Tốt nghiệp khỏi đại học X vào năm 2006? Bạn bè của bạn sẽ hiện ra chỉ với vài thao tác đơn giản.
News Feed
Khi bạn mở dịch vụ của mình cho người khác cùng xài, bạn cần phải liên tục bổ sung nhiều tính năng mới một cách thường xuyên để đảm bảo rằng người dùng không bị chán và họ sẽ trung thành với dịch vụ của bạn trong thời gian dài. Hầu hết mọi người sẽ chẳng còn hứng thú với một quyển danh bạ online sau một thời gian sử dụng, thế là Facebook nhanh chóng thực hiện các thay đổi cần thiết. Facebook được bổ sung khả năng chia sẻ hình ảnh vào năm 2005, thời điểm mà tính năng này vẫn chỉ mới xài trong nội bộ lập trình viên.
Giao diện và cách hiển thị hình ảnh của Facebook đã được thay đổi khá nhiều từ đó đến nay, nhưng khả năng chia sẻ thì vẫn giữ nguyên như ban đầu. Công cụ được làm ra để chia sẻ hình ảnh giữa người này với người khác giờ đây trở thành một thứ mà người ta có thể xài để ghi lại những dấu ấn trong cuộc sống hằng ngày. Không một ai có thể tưởng tượng được điều đó vào năm 2005 cả.
Sau khoảng một năm kể từ lúc những bức ảnh chụp chuyến đi chơi mùa hè xuất hiện (tức là vào năm 2006), hãng công bố thêm một tính năng mà giờ đây đã trở thành một bộ phận cực kì quan trọng của Facebook, đó chính là News Feed. Bạn sẽ không phải truy cập vào hồ sơ cá nhân của từng người để biết được họ đang làm gì. Thay vào đó, toàn bộ thông tin sẽ được hiển thị theo thứ tự thời gian ngay sau khi bạn vừa đăng nhập. Những trạng thái của bạn bè, hình ảnh được chia sẻ và rất nhiều thứ khác sẽ xuất hiện ngay tức khắc, và càng cuộn xuống dưới thì bạn càng biết thêm được về người thân của mình. Đến năm 2007 Facebook bổ sung thêm thông tin về các trang Pages, và năm 2009 thì nút Like ra đời.
News Feed phiên bản đầu tiên
Khi mà News Feed trở thành trung tâm của mọi hoạt động trên Facebook thì hãng bắt đầu việc tinh chỉnh lại thiết kế để phù hợp với thế giới công nghệ theo từng giai đoạn. Chỉ mới vài tuần trước đây hãng đã trình làng một giao diện mới phẳng hơn, đơn giản hơn và tập trung nhiều hơn vào nội dung. Đây cũng là lần thứ ba Facebook thực hiện một cải tiến lớn liên quan đến giao diện mình kể từ đó đến nay.
Phiên bản năm 2009 có thêm nhiều tính năng hơn
Và giao diện News Feed bản mới nhất vào năm 2014
Tiến vào thị trường di động
Trong vài năm trở lại đây, Facebook đã liên tục đặt mobile làm trọng tâm phát triển của mình, nhưng nỗ lực đầu tiên của công ty thực chất đã bắt đầu từ năm 2006. Sản phẩm đầu tiên là một trang web thân thiện với giao diện của trình duyệt trên di động mang tên Facebook for Mobile. Đến năm 2008 thì ứng dụng mobile đầu tiên của công ty ra đời dành cho iOS. Điều đó cho chúng ta thấy rằng mặc dù chỉ mới ở trong những ngày đầu của kỷ nguyên di động nhưng Facebook vẫn rất quan tâm đến tiềm năng của thị trường này cũng như các lợi ích về phía người dùng khi họ được lướt mạng xã hội trên chiếc điện thoại của mình.
Tiếp bước iOS, Facebook tiếp tục mang sản phẩm của mình lên Android, Windows Phone (chỉ mới có Messaging thôi, còn app Facebook chính chủ vẫn chưa) và nhiều nền tảng di động khác. Tất nhiên, dù là di động hay web thì Facebook vẫn cố gắng hết sức để sản phẩm của mình được đồng bộ khi có một tính năng mới nào đó xuất hiện.
Không chỉ phát hành ứng dụng, Facebook cũng có phần cứng di động liên quan đến mình. Tháng 4/2013, Facebook cùng với nhà mạng AT&T Mỹ và HTC cho ra mắt chiếc HTC First chạy Android đi kèm bộ giao diện Facebook Home. Tất nhiên, bộ giao diện này được xây dựng để mang lại trải nghiệm mạng xã hội nhanh chóng ở mọi lúc mọi nơi, từ màn hình khóa cho đến màn hình chính lẫn ứng dụng. Facebook định vị Home vào khoảng trống đứng giữa OS và một phần mềm bình thường. Nói về thiết kế thì Home làm điều này khá tốt bởi nó mang các ảnh Facebook ra cho chúng ta xem một cách nhanh chóng và thuận tiện. Cover Feed giúp người dùng biết bạn bè của mình đang post những gì, tính năng Chat Head thì hỗ trợ nhắn tin bằng Facebook Messenger mà không phải mở app lên.
Mặc dù vậy, Home vẫn không được nhiều người đón nhận. Bản thân Facebook cũng không cho thấy chủ trương mở rộng việc kinh doanh chiếc HTC First lẫn giao diện Home sang nhiều thị trường khác nhau. Nhiều người đã ví hai sản phẩm này giống như một cái bong bóng, nổi lên một lúc rồi vỡ tan.
Quảng cáo trên Facebook
Tất cả chúng ta đều đã từng thấy quảng cáo của Facebook bởi vì nó được tích hợp thẳng vào News Feed, nhưng thực chất thì tính năng này đã có từ năm 2006 rồi. Lúc đó chúng chỉ tồn tại dưới dạng các banner mà thôi. Với mục tiêu tập trung vào quảng cáo định hướng (đưa quảng cáo được cá nhân hóa đến từng người dùng cụ thể dựa trên sở thích, hành vi của họ), bắt đầu từ năm 2007, Facebook dần dần đưa quảng cáo vào thanh sidebar nằm ở cạnh phải màn hình, sau đó biến chúng thành các mẫu tin nằm trong News Feed như hiện nay.
Liên tục đổi mới
Không như MySpace vốn kiên trì giữ một kiểu thiết kế qua nhiều năm trời, Facebook liên tục theo dõi xem lượng người dùng giờ đông đảo của mình tương tác với nhau như thế nào, họ sử dụng hệ thống ra sao và họ tiêu thụ nội dung theo cách gì. Dựa vào đây, Facebook tinh chỉnh lại giao diện, bổ sung thêm những tính năng mới (lớn có, nhỏ có) để giúp cho những gì quan trọng nhất được nổi lên trên, và người dùng có thể truy cập chúng một cách dễ dàng. Chiến lược này không chỉ áp dụng cho nền web, hãy còn mang nó áp dụng cho các phần mềm di động lẫn các công cụ bổ trợ như Facebook Messenger chẳng hạn.
Trong những tháng gần đây, Facebook đã mở chương trình beta để mời gọi người dùng cùng chung tay thử nghiệm các tính năng mới trước khi ra mắt. Trước đây bản beta chỉ có cho app Facebook, giờ thì có thêm Messenger. Dựa vào những lời phản hồi từ cộng đồng, hãng biết được mình nên đổi cái gì, nên bỏ cái gì và nên thêm cái gì. May mắn thay, đội ngũ Facebook cũng rất linh hoạt và họ luôn sẵn sàng thay đổi những thứ không mang lại lợi ích cho người dùng.
View attachment 2612330 Facebook Messenger, sản phẩm có tốc độ thay đổi rất nhanh chóng trong thời gian qua nhưng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng
Sự thay đổi nhanh chóng và thường xuyên này cũng có thể xem như một điểm quan trọng ở cấp độ quản lý. Những dự án nhỏ lẻ như email @Facebook.com, Poke, Places, Deals, hay Facebook Camera có thể không thu hút được sự chú ý của người dùng, nhưng song song đó vẫn còn rất nhiều những tính năng như Graph Search và Messenger đã trở nên thành công và dần dần chứng tỏ được sự hữu ích của mình. Mới đây hãng cũng đã ra mắt ứng dụng đọc tin tức Paper (tất nhiên vẫn có khả năng lướt News Feed) với giao diện dạng thẻ rất đẹp. Facebook nói họ nhận thấy cần phải mang lại cho người dùng một "trải nghiệm đọc tin tức không bị phân tâm", thế là hãng nhảy vào một lĩnh vực mới. Còn quá sớm để nói liệu dự án này có thành công hay không, tuy nhiên nó đã minh chứng cho sự thay đổi nhanh chóng và liên tục của một mạng xã hội to lớn.
Những đề xuất hấp dẫn
Đề xuất ở đây là đề xuất mua lại Facebook từ những công ty to lớn trong ngành công nghệ. Vào tháng 7/2006, CEO Terry Semel của Yahoo đề nghị được mua lại Facebook với giá 1 tỉ USD. Thế nhưng chỉ vài tuần sau, giá trị thương vụ này bị giảm xuống 850 triệu và Zuckerberg không còn phải suy nghĩ nhiều nữa. Ông lập tức từ chối đề nghị của Yahoo.
CEO Steve Ballmer của Microsoft cũng đã từng bay đến Palo Alto để thăm Zuckerberg hai lần. Zuckerberg đi dạo với Ballmer và nói với ông rằng Facebook đang có giá trị khoảng 15 tỉ USD. Ngay lập tức Ballmer nói: "Vậy tại sao chúng tôi không mua luôn anh với giá 15 tỉ?". Thế nhưng, lại một lần nữa, vị CEO trẻ tuổi đã từ chối lời đề nghị hết sức hấp dẫn này: "Tôi không muốn bán công ty trừ khi tôi được quyền kiểm soát nó (sau khi đã bán)". Đây cũng là lời nói từng được Zuckerberg lặp đi lặp lại nhiều lần trong những tình huống như thế này.
Chưa từ bỏ, Ballmer quay trở lại trụ sở của Microsoft và soạn thảo một kế hoạch để mua Facebook theo từng giai đoạn với hi vọng Zuckerberg sẽ nghĩ lại. Đáng tiếc, Zuckerberg từ chối tất cả mọi cơ hội đó. Thứ mà Ballmer và Zuckerberg đồng ý với nhau chỉ là hợp đồng quảng cáo, ngoài ra Microsoft sẽ phải chi 240 triệu USD để có được 1,6% cổ phần Facebook.
Lên sàn chứng khoán
Ngày 17/5/2012, Facebook đã chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Sự kiện IPO này được chú ý không chỉ vì sự lớn mạnh rất nhanh của mạng xã hội mới chỉ chưa đầy 10 năm tuổi này mà còn có thể biến Facebook thành công ty công nghệ có giá trị IPO lớn nhất trên thế giới.
Trong thông báo chính thức tối ngày 17/5, Facebook cho biết sẽ phát hành tổng số 421.233.615 cổ phiếu và kỳ vọng mỗi cổ phiếu có giá 38USD, tuy nhiên trên thực tế khi mở cửa sáng 18/5 (giờ địa phương), giá mỗi cổ phiếu của Facebook là 42,05USD, tăng 10,5% so với ban đầu. Nhờ đó, Facebook thu về tổng cộng 17,7 tỉ USD trong ngày giao dịch đầu tiên.
Đáng tiếc, đợt phát hành cổ phiếu này đã diễn ra không được suôn sẻ như Mark Zuckerberg và đồng sự mong đợi. Có một vài sự cố kỹ thuật của sàn NASDAQ khiến cho giá cổ phiếu của Facebook giảm sâu dưới mức giá chào. Công ty sau đó cũng bị một số tổ chức, cá nhân khác kiện vì những vấn đề liên quan đến kỳ IPO của mình. Dù sao đi nữa thì Facebook giờ đây cũng đã trở thành một công ty đại chúng và đang từng bước đi lên.
Kế tiếp sẽ là gì?
Hiện nay Facebook đang ghi nhận sự sụt giảm về lưu lượng truy cập từ đối tượng người dùng tuổi vị thành niên, nhưng hãy không quá lo lắng về chuyện đó. Facebook sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để người dùng hài lòng, ngay cả khi việc đó tiêu tốn khá nhiều tiền. Năm 2012, Facebook mua lại Instagram với chi phí lên đến 1 tỉ USD, từ đó bổ sung thêm một lượng lớn khách hàng đang xài dịch vụ chia sẻ ảnh này vào mạng xã hội của mình.
Chưa hết, đến đầu năm nay, toàn thế giới như sôi sục khi Facebook tuyên bố mua WhatsApp với giá 19 tỉ USD. Đây là một trong những thương vụ mua bán, sáp nhập lớn nhất từng diễn ra trong giới công nghệ. Với động thái này, Facebook có thêm được số lượng người dùng lên đến hàng trăm triệu. Lĩnh vực nhắn tin cũng là một thứ mà Facebook đã bày tỏ mối quan tâm từ lâu.
Và mới đây nhất, Facebook đã lên kế hoạch chi tiền để mua Oculus VR, một công ty khởi nghiệp chuyên kinh doanh thiết bị thực tế ảo mang tên Oculus Rift. Đây là một trong những thiết bị được đánh giá rất cao trong khoảng một năm trở lại đây và tiềm năng của nó vô cùng rộng lớn. Mặc dù được thiết kế ra dành cho mục đích chơi game nhưng Rift hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều thứ khác, như lời Facebook nói thì giới hạn duy nhất của Rift chính là trí tưởng tượng của chúng ta.
Với tất cả những thành công, thất bại hoặc những bước đi chưa rõ thắng thua như trên, Facebook vẫn đang là mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1,23 tỉ người dùng tích cực hàng tháng, vượt xa đối thủ gần nhất là Twitter vốn chỉ có 241 triệu người dùng tích cực mỗi tháng. Việc đầu tư mạnh mẽ vào thiết kế và khả năng thay đổi nhanh chóng sẽ giúp Facebook tiếp tục phát triển và đáp ứng nhu cầu từ phía người dùng đang ngày càng khắt khe hơn. Hi vọng Facebook vẫn giữ được phong độ của mình và cung cấp ngày cành nhiều tiện ích để giúp thế giới xích lại gần nhau hơn.