Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Các nhà khoa học phát triển thành công phương pháp tái tạo hình dáng khuôn mặt từ trí nhớ con người

hinh_anh_tu-nao.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật hình ảnh não nhằm đọc được khuôn mặt từ trong trí nhớ của con người và tái tạo lại bộ mặt ấy nhờ sự giúp đỡ của phần mềm máy tính. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học, nghiên cứu sinh và sinh viên đến từ Đại học New York, đại học Yale và Đại học California. Kết quả nghiên cứu mở ra triển vọng có thể tái tạo chính xác gương mặt của tội phạm thông qua trí nhớ của nhân chứng hoặc tìm hiểu về những loại bệnh có liên quan đến tâm thần.

Trong một số nghiên cứu "tái tạo trí nhớ" trước đây, các nhà nghiên cứu đã có thể tìm cách nhằm tái tạo màu sắc, chữ viết và những hình ảnh nằm trong tâm trí của con người. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây lần đầu tiên có thể "trích xuất" ra được một khuôn mặt từ bộ não của con người. Một trong những tác giả của nghiên cứu gọi đây là "một hình thức của đọc tâm thuật."

Nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ và tái tạo lại được một cơ sở dữ liệu có liên quan đến các thành phần trên khuôn mặt từ bộ não được nghiên cứu. Một tác giả của nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu dựa trên sự hiểu biết về cách thức bộ não của chúng ta lưu trữ các thông tin hình ảnh. Não có khả năng "thấy" những gì mà chúng ta nhìn thấy."

Trong thí nghiệm nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho 6 tình nguyện viên quan sát 300 khuôn mặt đồng thời ghi lại các hình ảnh chụp cộng hưởng từ bộ não của họ. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu cho họ quan sát thêm 30 khuôn mặt mới và tiếp tục chụp cộng hưởng từ 1 lần nữa. Bằng cách theo dõi hoạt động của não khi gặp các hình ảnh mới và so sánh với cơ sở dữ liệu trước đó, các nhà khoa học có thể dễ dàng nhận biết khuôn mặt từ trí nhớ của các tình nguyện viên.

Dù những hình ảnh tái tạo được chưa thật sự hoàn hảo, nhưng việc kết hợp máy tính và con người trong việc tái tạo khuôn mặt vẫn có mức độ tin cậy cao hơn so với phương pháp truyền thống trước đây là mô tả và vẽ lại. Một điều quan trọng khác, các nhà khoa học nhận thấy rằng não hoạt động nhiều hơn trong việc nhận dạng khuôn mặt so với các thông tin thị giác khác.

Các nhà nghiên cứu cho biết, thành công của nghiên cứu có thể áp dụng vào việc nghiên cứu bệnh tự kỷ thông qua việc tái tạo các khuôn mặt làm bệnh nhân sợ hãi từ trí nhớ, trí tưởng tượng thậm chí là giấc mơ của họ. Một ứng dụng khác là có thể giúp các nhân viên điều tra có được khuôn mặt khá chính xác của tội phạm dựa vào trí nhớ của các nhân chứng nhằm phục vụ công tác điều tra tốt hơn.

Theo WSJ