Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Cuộc chiến bản quyền lớn thứ hai giữa Apple với Samsung đã bắt đầu

[​IMG]

Vào mùa hè năm 2012, một nhóm bồi thẩm đoàn âm thầm rời khỏi tòa án tại San Jose để tránh không phải đối mặt với rất nhiều phóng viên, nhà báo đang đứng chờ ngoài cửa. Họ vừa đưa ra phán quyết cuối cùng cho vụ án được nhiều người gọi là "vụ kiện bằng sáng chế thế kỷ", một cuộc chiến dai dẳng giữa AppleSamsung kéo dài nhiều năm với sự góp mặt của nhiều thiết bị khác nhau.

Sau ba tuần xét xử và các bên có 50 tiếng đồng hồ để đưa ra luận điểm của mình, Apple cũng đã đánh bại Samsung khi thuyết phục được bồi thẩm đoàn rằng Samsung không chỉ sao chép công nghệ của mình mà còn có thể kiếm được hàng tỉ đô la từ việc đó. Tòa ra phán quyết rằng Apple sẽ được Samsung đền bù 1 tỉ USD, nhưng sau đó con số này giảm xuống 939,98 triệu USD bởi vì bồi thẩm đoàn bị nhầm lẫn khi thực hiện việc tính toán. Trong suốt năm 2013, Apple và Samsung vẫn còn kháng cáo tới lui xung quanh khoản tiền đền bù và tới giờ Samsung vẫn chưa chi ra đồng nào để đền bù cả. Song song đó, Apple cũng không được thông qua yêu cầu cấm bán một số sản phẩm Samsung tại Mỹ, và tất cả những điều này làm cho vụ án trông giống như một vụ cãi nhau mà thôi.

Nhưng chuyện chưa chấm dứt ở đó: họ lại tiếp tục ra tòa thêm lần nữa, và vụ án lớn thứ hai này có bao gồm những thiết bị rất thành công của cả Apple lẫn Samsung. Apple nộp hồ sơ cho vụ án này từ tháng 2/2012 với quy mô kiện tụng là 17 thiết bị Samsung, nhà sản xuất Hàn Quốc cũng nhanh chóng phản hồi lại với nhiều thiết bị di động mang logo quả táo.

Trong tuần này Apple và Samsung sẽ bắt đầu ra tòa để giải quyết những mâu thuẫn liên quan đến bằng sáng chế của mình, và bên dưới là những gì chúng ta có thể kì vọng trong thời gian tới khi hai gã khổng lồ trong làng công nghệ chiến đấu với nhau trước tòa.

Về phía Apple

Nếu mọi chuyện vẫn tốt thì đừng có gắng sửa chữa nó. Đây có vẻ như là chiến lược của Apple dành cho vụ án lớn thứ hai bởi hãng tiếp tục sử dụng chiếc iPhone đời đầu tiên như một minh chứng cho thấy rằng Samsung chỉ thành công nhờ vào việc sao chép lại công nghệ cũng như thiết kế của thiết bị này mà thôi. Cũng như lần trước, Apple sẽ so sánh trực tiếp những tính năng trên sản phẩm Samsung với sản phẩm của mình để làm bằng chứng thuyết phục bồi thẩm đoàn. Song song đó, ban luật sư đại diện cho Apple sẽ đào bới những tài liệu mật của Samsung với hi vọng chỉ ra được những nỗ lực sao chép mà đối thủ từng cố gắng thực hiện.

Những sản phẩm Samsung bị Apple cáo buộc vi phạm bản quyền

Hầu hết những chiếc máy đình đám của Samsung trong năm 2012 đều có mặt trong phiên tòa, chẳng hạn như Galaxy S3 chẳng hạn. Vấn đề là những thiết bị này đã không còn được sản xuất hoặc gần như đã rời khỏi kệ hàng bởi chúng được thay thế bởi các dòng máy mới hơn, như Galaxy S4 hay S5.

Danh sách chi tiết gồm có:
  • Admire (ngừng kinh doanh)
  • Galaxy Nexus (ngừng kinh doanh)
  • Galaxy Note (ngừng kinh doanh)
  • Galaxy Note 2
  • Galaxy S2 (ngừng kinh doanh)
  • Galaxy S2 Epic 4G Touch (ngừng kinh doanh)
  • Galaxy S2 Skyrocket (ngừng kinh doanh)
  • Galaxy S3
  • Galaxy Tab 2 10.1
  • Stratosphere (ngừng kinh doanh)
iPhone-5-vs-Galaxy-S3-angle-side-by-side.

Nỗ lực của Apple trong việc thuyết phục tòa sẽ tiếp tục xoáy vào việc hãng đã từng phải chịu rủi ro lớn khi ra mắt iPhone đời đầu để rồi sau đó biến đổi cả ngành công nghiệp smartphone trên toàn thế giới. Ngoài ra, Apple cũng sẽ nhấn mạnh rằng những tính năng được hãng trang bị cho iPhone thực chất đã có từ lâu trước khi sản phẩm này được công bố. Thời gian - ai ra mắt trước, ai ra mắt sau - sẽ là một phần cực kì quan trọng cho cả nguyên đơn lẫn bị đơn, và đó cũng là nguyên lý mà các vụ kiện bản quyền dựa vào để được xét xử. Apple có thể cũng sẽ sử dụng chiến thuật tâm lý để cho bồi thẩm đoàn biết rằng nếu iPhone bị nhái thì hãng sẽ mất tất cả.

Nhiều tài liệu từ cả Apple lẫn Samsung sẽ lần đầu tiên được phơi bày trước tòa, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ không biết được điều gì cụ thể cho đến khi việc xét xử bắt đầu diễn ra. Thế nhưng nhiều nguồn tin có liên quan đến vấn đề pháp lý của Apple nói rằng những tài liệu sắp được hé lộ sẽ nhắc đến việc Samsung muốn mô phỏng lại một số tính năng nhất định của iPhone sau khi hãng nhận thấy phản ứng của thị trường đối với chiếc máy này.

Apple đã thực hiện nước đi tương tự như thế này ở phiên tranh tụng đầu tiên hồ năm 2012. Khi đó, hãng đã công bố nhiều hồ sơ nội bộ ghi nhận những cuộc nói chuyện ở cấp lãnh đạo của Samsung về một đợt "khủng hoảng thiết kế" trong các sản phẩm do họ sản xuất thời bấy giờ. Apple cũng đã phơi bày lộ trình ra mắt sản phẩm mới của Samsung, trong đó có đề cập đến chuyện đối đầu trực tiếp với hãng điện thoại thông minh Mỹ. Những tài liệu như thế đã chứng tỏ rằng chúng rất hữu ích trong vụ án đầu tiên.

Các bản quyền được Apple mang đi kiện
  • Bản quyền số 5,946,647: "data tapping", nói về việc hiệu chỉnh dữ liệu, tự động phân tích các đoạn văn bản nhằm xác định số điện thoại, email và cho phép người dùng tương tác nhanh với chúng
  • Bản quyền số 6,847,959: "unified-search", nói về việc nhập liệu thông qua một giao diện duy nhất rồi từ đó tìm kiếm dữ liệu ở nhiều nơi khác trong hệ thống cũng như trên Internet
  • Bản quyền số 7,761,414: nói về việc đồng bộ dữ liệu số trong lúc người dùng đang thực hiện một tác vụ khác trên máy
  • Bản quyền số 8,046,721: bản quyền slide-to-unlock cho phép người dùng trượt ngón tay để mở khóa màn hình
  • Bản quyền số 8,074,172: "auto-complete", nói về việc tự động điền khuyết nội dung khi sử dụng bàn phím
Không như trận chiến lần trước, vốn bao gồm cả những bằng sáng chế về thiết kế, giờ đây cả hai bên chỉ nhắm đến những bản quyền tính năng dễ hiểu, dễ kiện. Apple đưa ra 5 cáo buộc khác nhau, mỗi bản quyền một cáo buộc, và tất cả những điều khoản đem đi kiện đều được sinh ra trong quá trình phát triển chiếc iPhone đời đầu. (Thực chất ban đầu Apple còn đem thêm 3 bằng sáng chế khác vào vụ kiện nhưng chúng đã bị bỏ ra).

Trong số những bằng sáng chế kể trên thì bản quyền '647 có lẽ là đáng chú ý nhất. Apple từng sử dụng nó để cấm HTC nhập khẩu hai sản phẩm chủ lực hồi năm 2012 vào thị trường Mỹ (hai máy đó là One X và EVO 4G LTE), buộc hãng điện thoại Đài Loan phải cập nhật phần mềm để loại bỏ tính năng ra khỏi sản phẩm của mình. Nó cũng từng được Apple xài để kiện Motorola trong một vụ án đã bị bác bỏ nhưng vẫn còn đang trong giai đoạn phúc thẩm.

Nếu Apple thắng

Nếu Apple thắng hoàn toàn ở vụ kiện lớn đầu tiên thì Samsung đã phải đối mặt với số tiền phạt lên tới 2,525 tỉ USD cộng với lệnh cấm bán toàn bộ những sản phẩm của mình ở Mỹ. Thế nhưng, con số cuối cùng chỉ ít hơn một nửa và yêu cầu cấm bán cũng không được tòa thông qua. Giờ đây, Apple đang đòi Samsung đền bù từ 33$ đến 40$ cho mỗi thiết bị vi phạm bản quyền đã được bán ra, trong khi Samsung đã bán được hàng chục triệu đơn vị như thế. Trong trường hợp Apple thắng, tổng số tiền đề bù mà Samsung phải chi sẽ vào tầm 2 tỉ USD. Tất nhiên, phán quyết thế nào thì chúng ta phải chờ tòa án và bồi thẩm đoàn mới biết được.

[​IMG]

Nói thêm về số tiền 33$-40$ ở trên, đây là một đòi hỏi khá bất ngờ bởi Apple từng nói rằng "phạt tiền chưa phải là một biện pháp đền bù đẩy đủ" chiếu theo cách mà Samsung sử dụng trái phép các bản quyền của mình. Tính trung bình thì mỗi bản quyền nằm mà Samsung bị cáo buộc vi phạm có chi phí đến 8$.

Tổng số 40$ cũng cao hơn so với chi phí 30$ mà Apple từng đề xuất cho cả bộ sưu tập bản quyềncủa mình trong vụ kiện đầu tiên với Samsung bắt đầu từ năm 2010. Đến năm 2012, trong quá trình xử án, Apple cũng chỉ đòi tổng cộng 7,14$ cho cả 3 bản quyền mà Samsung bị tuyên vi phạm. Số tiền phạt 929 mới đây cũng chỉ dựa chủ yếu vào việc sử dụng trái phép bản quyền thiết kế chứ không phải bản quyền tiện ích. Florian Mueller, luật sư và cũng là cây viết chính của trang FOSS Patent, nhận rằng con số 40$ mỗi máy vượt xa những gì từng được đòi hỏi và ông ước tính số tiền bản quyền trung bình trong ngành công nghệ sẽ vào khoảng 10$ mà thôi.

Nếu đòi hỏi này được thông qua, Apple muốn Samsung đơn giản là sẽ "chồng" thêm số tiền 40$ nói trên vào giá các sản phẩm bán ra, điều đó sẽ khiến người tiêu dùng khó tiếp cận mới hơn vì sản phẩm đắt hơn. Trong trường hợp đó, người tiêu dùng cũng phải gánh phần tiền phạt. Apple tranh luận rằng đề xuất của mình đã được củng cố bởi những thương vụ hợp tác bằng sáng chế trong đời thực, nhưng không nói rõ là thương vụ nào và giữa ai với ai.

Về phần Samsung

Trong vụ kiện đầu tiên, Samsung sử dụng chiến lược "ngây thơ" và cáo buộc Apple chỉ là một kẻ đi bắt nạt công ty khác và không đồng ý cấp quyền sử dụng các bản quyền của mình với mục tiêu cuối cùng là loại bỏ đối thủ cạnh tranh ra khỏi cuộc chơi. Ngoài ra, Samsung cũng nói thêm rằng những điểm giống nhau giữa sản phẩm của hãng với Apple chỉ là những chuẩn chung trong ngành thiết bị di động chứ không phải là những điều đặc biệt. Đáng tiếc, bồi thẩm đoàn đã không bị thuyết phục bởi điều này.

Những sản phẩm Apple bị Samsung kiện

Khi hồ sơ vụ án này được nộp lên tòa, một số trong những thiết bị dưới đây thậm chí còn chưa được ra mắt. Tuy nhiên, qua hai năm thì mọi chuyện đã thay đổi khá nhiều:
  • iPhone 4 (ngừng kinh doanh)
  • iPhone 4S
  • iPhone 5 (ngừng kinh doanh)
  • iPad 2 (ngừng kinh doanh)
  • iPad 3 (ngừng kinh doanh)
  • iPad 4 (ngừng kinh doanh, nhưng mới được bán trở lại)
  • iPad mini
  • iPod Touch (đời thứ 4) (ngừng kinh doanh)
  • iPod Touch (đời thứ 5)
iPhone_5.

Điều mới mẻ trong chiến lược của Samsung đó là hãng có nhắc đến Google, một đơn vị mà Samsung nói đã là đã độc lập phát triển nhiều tính năng bị Apple cáo buộc vi phạm bằng sáng chế. Đó là những tính năng của hệ điều hành Android, chứ không chỉ là thiết kế của thiết bị Samsung hay phần mềm dùng trong những mẫu máy này. Đó là sự khác biệt lớn so với vụ án đầu tiên, khi mà Google không đóng vai trò gì nhiều.

Giờ đây, nhiều nhân viên Google (gọi là Googler), trong đó có cả phó chủ tịch cấp cao Andy Rubin (người khai sinh ra Android), Hiroshi Lockheimer (trưởng nhóm kĩ thuật android) và Kenzo Fong Hing (trưởng nhóm marketing cho Android), sẽ được mời ra làm chứng trước tòa. Họ sẽ giải thích về cách tạo ra những tính năng mới nằm trong quy mô vụ án. Mặc dù vậy, Google vẫn không tham gia trực tiếp vào vụ án như một bị đơn độc lập. Apple chỉ đơn giản nói đến Google như một công ty cung cấp phần mềm. Mới đây Samsung và Google cũng đã kí một thỏa thuận bản quyền chéo cho phép hai bên sử dụng bằng sáng chế của nhau, củng cố thêm mối quan hệ giữa hai công ty công nghệ lớn đứng đối lập với Apple.

Samsung cũng đã cực lực phản đối khoản đền bù 33$ đến 40$ cho mỗi chiếc máy bán ra, một điều hiển nhiên. Samsung sẽ một lần nữa cố gắng vẽ ra bức tranh rằng smartphone được cấu thành bởi hàng nghìn tính năng, hằng trăm nghìn bản quyền, và những bằng sáng chế do Apple sở hữu không phải là những thứ cốt lõi tạo nên một chiếc điện thoại thông minh.

Brian J. Love, trợ lý giáo sư tạo Đại học luật Santa Clara, nhận xét: "Apple không kiện những bằng sáng chế về việc truyền dữ liệu qua mạng di động, về cách thực hiện cuộc gọi hay giải pháp truy cập Internet. Những thứ được hãng mang đi chiến đấu với Samsung thực chất là những tính năng phụ thêm nằm trên các công nghệ ở bên dưới." Ông nói thêm rằng những bằng sáng chế này có thể có giá không cao như những gì Apple muốn Samsung phải trả, trong trường hợp tòa tuyên Samsung vi phạm.

Samsung dự tính sẽ củng cố ý kiến này bằng việc nhấn mạnh đến sự bất đồng của chính Apple trong việc cấp phép sử dụng bằng sáng chế. Hồi đầu năm nay Samsung từng tiết lộ rằng Apple đã có lúc đòi chỉ 60 cent cho bản quyền '647 tính trên mỗi máy bán ra, nhưng trong vụ này hãng lại đòi đến 12,49$/máy.

Các bản quyền được Samsung mang đi kiện
  • Bản quyền số 6,226,449: ghi nhận và tái tạo hình ảnh, giọng nói kĩ thuật số, tính năng duyệt thư viện ảnh mà bạn có thể thấy trên smartphone và tablet của mình
  • Bản quyền số 5,579,239: hệ thống truyền tải video từ xa. Samsung dùng bằng sáng chế này để kiện tính năng FaceTime
Samsung chỉ dùng hai bằng sáng chế để đi kiện mà thôi, nhưng chúng sẽ được dùng để chống lại hầu hết mọi thiết bị Apple chạy iOS từ năm 2012 đến cuối năm 2012. Thực chất thì ban đầu trong hồ sơ vụ án có thêm hai bản quyền cơ bản liên quan đến việc truyền dữ liệu không dây nhưng Samsung đã bỏ chúng ra khỏi vụ kiện).

Trong khi đó, Apple thì nói rằng hai bản quyền của Samsung chỉ mới được hãng đi mua về để kiện Apple và chúng chưa tồn tại khi vụ án thứ nhất diễn ra. Trong đó, bằng sáng chế '449 được mua từ Hitachi, bằng sáng chế '239 thì được mua lại của một nhóm các nhà phát minh ở Oklahoma.

Nếu Samsung thắng cuộc

Trong vụ án đầu tiên, Samsung đã yêu cầu bồi thẩm đoàn tuyên phạt Apple khoản đền bù 421,8 triệu USD. Còn ở đợt này, hãng chỉ đòi một con số khiêm tốn là 6,9 triệu USD mà thôi (bao gồm 6.780.329 USD cho bằng sáng chế '239 và 158.400 USD cho bằng sáng chế '449). Ngoài ra, nếu Apple bị tuyên vi phạm thì Samsung có quyền yêu cầu tòa cấm bán những sản phẩm nói trên.

Chờ đợi gì ở tòa?

Chúng ta có thể xem vụ kiện mới này như một cuộn băng tua lại của vụ thứ nhất, thậm chí còn ít kịch tính hơn. Cả hai bên hầu như đưa ra những cáo buộc tương tự như lần trước, chỉ khác chi tiết về bằng sáng chế và sản phẩm mà thôi.

photo.

Vụ án này, tương tự như trước, sẽ tiếp tục là một minh chứng rõ ràng để cho thấy rằng hệ thống pháp lý đang phát triển chậm hơn những bước đi của thế giới công nghệ. Kết quả là, nếu như các hãng có bị cấm bán sản phẩm, thì nhiều trong số đó thực chất cũng chẳng còn xuất hiện trên thị trường. Thay vào đó, các công ty tập trung nhiều vào việc nhận đền bù và bắt phía còn lại trả tiền sử dụng bằng sáng chế.

Và mặc cho những con số khổng lồ được Apple cũng như Samsung liệt kê vào hồ sơ thì bản chất thật sự của vụ việc vẫn là cuộc chiến đấu sống còn giữa hai công ty hàng đầu trong lĩnh vực smartphone hiện tại. Apple có thể dùng Samsung như một minh chứng rõ ràng rằng họ hoàn toàn có thể gieo rắc nỗi sợ hãi vào đối thủ. Trong khi đó, Samsung sử dụng thị phần lớn cùng sự phổ biến của các sản phẩm do mình làm ra để chống lại sự đe dọa từ Apple, đồng thời cố gắng khiến cho Apple trông giống như là một công ty chạy theo đuôi mình. Chúng ta hãy chờ xem phán quyết của tòa như thế nào nhé.

Nguồn: The Verge