[Nhiếp ảnh CB] Vài điều cơ bản cần có cho một bức ảnh
Chỉ với cú bấm máy, bạn có một bức ảnh. Vâng, rất đơn giản! Chiếc máy ảnh làm gần hết công việc ấy. Chỉ với một chiếc điện thoại, một chiếc máy du lịch, mọi người đều có thể chụp ảnh. Phương tiện chụp ngày nay rất phổ thông và làm công việc chụp ấy cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, để có một bức ảnh được xem là môt tác phẩm, thì không hề đơn giản. Trước tiên, tác phẩm cần một sự sáng tác, người cầm máy ngoài việc am tường về kỹ thuật, kiến thức nhiếp ảnh, kỹ năng về tạo hình, một con tim rung động cảm xúc trước đất trời phong cảnh, con người và cuộc sống... và còn có những thủ thuật để truyền cảm xúc ảnh ấy đến người xem ảnh.
Trước tiên, làm chủ thiết bị chụp, dù đó là chiếc điện thoại, kỹ thuật sử dụng, kỹ năng chụp ảnh được xem như là nền móng, là phần trụ cột ngôi nhà. Phần này rất quan trọng, nhất là những người bắt đầu xây đắp đam mê. Móng khung vững thì phần phát triển sẽ tốt; phần xây dựng, nội ngoại thất được xem như cảm xúc ảnh, sự rung cảm trước cảnh vật, chủ đề, là sắc thái hay phong cách của cả công trình.
Người thợ ảnh cũng như những người thợ các nghề khác, phải thành thạo khi sử dụng công cụ của mình, như búa, đục, bào ... Nghệ thuật nhiếp ảnh đòi hỏi người cầm máy phải rành rọt kiến thức nhiếp ảnh, thành thạo kỹ năng chụp ảnh, làm chủ việc sử dụng thiết bị máy ảnh, ống kính, phụ kiện. Người thợ ảnh không phải cứ có nhiều "vũ khí" hay "vũ khí" tuyệt đỉnh là có ảnh đẹp. Người thợ ảnh phải biết cách sử dụng đúng, khai thác tối đa tính ưu việt của phương tiện đang có, đang sở hữu. Giống như người tài xế "phản xạ" chân ga hay cần số khi đi trên đường vậy!
Người cầm máy còn phải tìm hiểu về kiến thức, kỹ thuật tạo hình như nguồn ánh sáng, các hướng sáng, bố cục khung hình, các mảng màu sắc kết cấu trong khung, nhạy bén khoảnh khắc, không gian ảnh... tất cả phải được người cầm máy "nhìn thấy" và "cảm xúc", rồi bấm máy ghi nhận ảnh. Thật khó có một bức ảnh "có hồn" hay truyền cảm xúc nếu thiếu sự đồng cảm, sự rung động của con tim với những khoảnh khắc trước ống kính.
Người cầm máy cần một tâm hồn nhạy cảm trước ánh sáng thế nào thì cũng cần sự nhạy cảm trước cảnh vật như vậy. Muốn có điều này, hãy xem thật nhiều ảnh của người khác, xem và nhận xét, xem rồi phân tích từ nội dung thông tin đến hình thức kỹ thuật. Cũng như các môn nghệ thuật khác, văn học, thi ca, âm nhạc, hội hoạ... những dòng suy tư, những tư tưởng, những chiều sâu chiều rộng của bản chất cuộc sống sẽ giúp người đọc, người xem có hướng tư tưởng, phong thái riêng trong chụp ảnh của bản thân.
Và, kiến thức về văn hoá, nhân sinh quan, vũ trụ quan, về thiên nhiên vạn vật, về con người và cuộc sống, về những sự hiện hữu vô hình trong sâu thẳm tinh thần... là rất cần thiết cho người cầm máy. Dẫu cho người chụp ảnh có thiên hướng về một hoặc vài chủ đề riêng, thì các kiến thức kia là không thừa bao giờ cả.
Xin minh hoạ một số ảnh, đa số chụp bằng các điện thoại, Nokia Lumia, HTC, Oppo, Sony.
Hoàng hôn Saigon
Các công trình bên bờ Thủ Thiêm đang thi công. Các ao nước được đào xới lên, mọi khu vực đều kín mít hàng rào. Ngoài các góc chụp trên cầu Thủ Thiêm, bên bờ sông, qua các hàng rào công trình nhìn về trung tâm Saigon cũng tạo một xúc cảm nào đó trong một buổi hoàng hôn ở vùng đất này.
Gặt lúa thuê - Hóc Môn - Tp.HCM
Mình xin chụp bức hình này, cô gái ban đầu ngần ngại, hỏi thăm một lúc, cô ấy ngoảnh lại cười và máy được bấm. Cô ấy bảo là người Khơ-me từ Miền Tây lên gặt lúa thuê. Hàng năm cứ đến mùa lại theo anh chị bà con lên gặt. Hỏi mỗi ngày gặt được bao nhiêu, cô bảo được 120 ngàn. Cái màu đỏ đội nón lá trắng trong ruộng lúa vàng!
Trẻ con vùng biển - Phan Thiết
Ánh sáng vàng buổi hoàng hôn trên biển rất hấp dẫn người chụp ảnh. Gành đá nhuộm vàng rất đẹp, bên dưới là sóng nước và có mấy đứa trẻ con đang tìm cách đẩy chiếc thúng ra ngoài. Ngồi chờ cho chúng vượt sóng ra rất "đã".
Lấy rơm nuôi bò - Củ Chi
Sau một mùa gặt, người nông dân sẽ chở rơm về cho bò ăn. Có người thì mang rơm cho bò của chính mình; có người thì đi nhặt rơm thuê cho người khác. Bác này là đi nhặt rơm thuê cho người ta. Bác bảo: "Cực lắm cháu ơi!" - Dạ.
Đời xích lô - Nhatrang
Bóng đổ khoảng 9 giờ sáng. Đời xích lô in bóng xuống mặt đường. Nền ảnh có các vạch sơn trắng như những nấc thang của đời người vậy.
Hạnh phúc - Pleiku
Khoé mắt rạng ngờii hạnh phúc của người con. Có lẽ nhiều cảm xúc của người làm cha làm mẹ lắm.
Sen - Tp. HCM
Vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ lạ lắm. Khi chụp cái này, mình đã có ý muốn có những bokeh bong bóng tạo sự lung linh thanh thoát của một loài hoa.
Macro
Cả chủ đề ảnh close-up hay macro (chụp cận cảnh, phóng đại chủ thể), cũng cần nhiều yếu tố như đã viết trên kia. Ngoài thiết bị, điều cần vẫn là những kỹ năng và con tim ao ước và có cảm xúc ảnh.
Với một kiến thức cơ bản tốt, kỹ năng nhuần nhuyễn, sử dụng phương tiện thành thạo, bố cục phù hợp, bạn cũng sẽ có những bức ảnh lưu niệm với khoảnh khắc có cảm xúc.
Phá Tam Giang - Huế
Tập có "cái nhìn" về cảnh vật, con người và cuộc sống, người chụp ảnh sẽ có kinh nghiệm, nhạy cảm, thấy được những cái đẹp, khám phá được nhiều hơn, ghi nhận được giá trị thẩm mỹ qua khung ảnh để tôn vinh vẻ đẹp ấy và chia sẻ cho mọi người.
Hừng đông trên biển - Quy Nhơn
Vẻ đẹp của thiên nhiên, của ánh sáng, của con người... nếu người chụp có kỹ năng tốt, chỉ với chiếc điện thoại, họ vẫn có thể ghi lại những khoảnh khắc thú vị như các bức ảnh trên.
Ánh sáng thiên nhiên luôn miễn phí!
Xử lý ảnh sáng để có tia sáng bung ra và kéo dài, tạo cảm xúc chan hoà của buổi ban mai.
Tóm lại:
Người chụp ảnh nên trau dồi cho mình những khả năng nhận thấy, nhận xét, cảm xúc ... kết hợp với những kỹ năng chuyên môn để ghi nhận hình ảnh. Những khoảnh khắc chợt xuất hiện hoặc phải tìm kiếm, chờ đợi nhẫn nại cũng đều được ghi nhận lại tốt hơn nếu vững kỹ thuật, kiến thức nhiếp ảnh, kiến thức cuộc sống đời người và người đời... cộng với một chút "may mắn".