Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Nghiên cứu: Cử động cơ thể giúp tăng khả năng tiếp thu và ghi nhớ khi học tập

hand_moverment_tinhte.

Bạn gặp một vấn đề hoặc khái niệm khó hiểu? Khó nắm bắt một kỹ năng mới? Bạn có biết việc học tập không chỉ gắn liền tới hoạt động của não bộ mà còn liên quan tới tất cả các bộ phận khác trên cơ thể con người? Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng việc học tập sẽ dễ dàng, nhanh chóng và ghi nhớ lâu hơn nếu bài học được tiếp thu bằng cả não bộ và hoạt động của cơ thể. Theo đó, người học có thể vừa đánh tay, vừa đi loanh quanh trong căn phòng trong quá trình học bài sẽ giúp gia tăng đáng kể khả năng tiếp thu bài học so với việc chỉ ngồi thụ động một chỗ. Phát hiện trên đã mở ra một phương pháp mới nhằm tăng cường hiệu quả của việc giảng dạy và học tập trong tương lai.

Những bài học đầu tiên - Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng

tap_dem.

Trên thực tế, việc kết hợp các cử chỉ của cơ thể trong quá trình học tập không phải là một ý tưởng quá xa lạ. Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã được hướng dẫn dùng các ngón tay để bắt đầu học những bài học đầu tiên về số đếm thay vì chỉ học qua những suy nghĩ trong đầu. Chắc hẳn các bạn đã biết về những quy tắc dùng nắm tay phải hay bàn tay trái để gợi nhớ các quy luật vật lý dễ nhầm lẫn.

Andrew Manches, giảng viên tâm lý học tại đại học Edinburgh, cho biết: "Trong quá khứ, con người đã biết rằng việc học đồng nghĩa với việc hiểu được các vấn đề trừu tượng. Trẻ em luôn cần những hình ảnh trực quan để hiểu được các vấn đề trừu tượng. Khi dạy những đứa trẻ về những phép toán đầu tiên, giáo viên luôn dùng que tính, ngón tay hay các khối hộp để giúp chúng dễ hiểu hơn là chỉ nói suông về phép cộng hay phép trừ."

Đó chính là thí dụ điển hình cho mối liên hệ giữa đối tượng vật lý thực tế với những khái niệm, kiến thức trừu tượng. Các giáo viên luôn hiểu rằng chính các cử chỉ cơ thể được trình diễn một cách trực quan sẽ giúp trẻ nhỏ hiểu được những vấn đế trừu tượng mà nếu chỉ trình bày bằng cách nói chưa chắc gì chúng sẽ hiểu. Thậm chí, đây còn là một nguyên tắc sư phạm mà bất cứ giáo viên nào cũng biết: Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Và thật sự, thế giới thực tế chưa bao giờ tách lìa với hoạt động của não bộ. Các khái niệm lưu trữ trong não luôn gắn liền với một đối tượng ngoài thực tế.

Cơ thể và tư duy

Đây là lý thuyết mang tên "thể hiện nhận thức". Lý thuyết cho thấy rằng những gì đi vào tâm trí của con người đều bắt nguồn từ các hành động và tương tác giữa con người với thế giới xung quanh. Chính vì thế, bắt ép trẻ em suy nghĩ và tưởng tượng một cách đơn thuần sẽ khiến bài học trở nên khó tiếp thu, khó ghi nhớ hơn bao giờ hết. Điều này cũng có thể lý giải vì sao nhiều sinh viên đại học đều sợ các môn triết học!

Thậm chí, tất cả các nghiên cứu khoa học đều bắt nguồn từ thực tiễn, những hành động thực tế chứ không phải chỉ là những từ ngữ, lời nói trong lớp học hay trong phòng thí nghiệm. Spencer Kelly, nhà tâm lý học tại Đại học Hamilton đã phát hiện ra rằng, trước một thông điệp, phương pháp lĩnh hội thông qua cử chỉ sẽ hiểu nhanh hơn gấp 3 lần so với phương pháp nghe, nói thông thường. Kelly cũng chỉ ra rằng những giáo viên sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong bài giảng sẽ giúp người học hiểu bài dễ dàng, nhanh chóng hơn so với các giảng bài bình thường.

Và chuyển động của cơ thể không chỉ có tác dụng đối với việc giảng dạy của giáo viên mà còn hữu dụng đối với việc học tập của học sinh. Nhà tâm lý học tại Đại học Iowa, Susan Wagner Cook, đã chỉ ra rằng nếu học sinh lặp lại các cử chỉ cơ thể của giáo viên sẽ giúp bài học được ghi nhớ sâu sắc và dài lâu hơn trong tâm trí của họ.

Thí nghiệm bằng các thiết bị tương tác

wii_game.

Các nhà khoa học đã thực hiện một loạt thí nghiệm kiểm chứng bằng các sản phẩm có tích hợp công nghệ tương tác như Nintendo Wii, Kinect của Microsoft và cả các máy tính bảng với màn hình cảm ứng. Nhóm nghiên cứu tại Đại học California đã dùng 2 trò chơi tương tác trên hệ máy console Wii để dạy trẻ em các khái niệm về tỷ lệ trong toán học. Mục tiêu của bài học là giúp trẻ em có thể hiểu được cái gì gọi là gấp đôi, sự tương ứng tỷ lệ và sự tăng trưởng.

Nếu chỉ nói bình thường, đây thật sự là một khái niệm khó khăn và quá sức đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, phương pháp dùng trò chơi tương tác đã bộc lộ những ưu điểm rõ rệt. Khi được hỏi về các khái niệm tăng trưởng trong bài học, những đưa trẻ đã dùng 2 cánh tay để diễn đạt vấn đề, chúng đưa một cánh tay cao hơn cánh tay còn lại để diễn tả sự chênh lệch về tỷ lệ. Sau đó, một số đứa trẻ bắt đầu cùng đưa 2 cánh tay lên cao để diễn đạt cho sự tăng trưởng. Rõ ràng, phương pháp dạy trên đã phát huy rõ rệt tính hữu dụng giúp trẻ em có thể hiểu được vấn đề.

Một nhóm nghiên cứu khác tại Đại học Eberhard Karls lại sử dụng cảm biến Kinect để dạy cho những học sinh 7 tuổi về trục số - một khái niệm hết sức quan trọng trong toán học. Theo đó, trục số được biểu diễn thông qua chuỗi các khối hộp trong một trò chơi trên xbox. Kết quả cũng hoàn toàn tương tự khi những học sinh này đều thể hiện đã hiểu rõ được vấn đề thông qua phương pháp học hết sức trực quan này. So với những học sinh chỉ được giảng bài thuần túy, các học sinh có sử dụng phương pháp cử chỉ cơ thể hoànt toàn chiếm ưu thế về nhận thức bài học.

Trí nhớ - Nhiều câu hỏi vẫn cần được giải đáp

sleeping-student.

Với tất cả những lợi ích của việc dùng ngôn ngữ cơ thể nhằm tăng khả năng lĩnh hội kiến thức, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng đây là một phương pháp giúp ích trong việc học tập. Tuy nhiên, vấn đề là áp dụng phương pháp như thế nào cho hiệu quả. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng không nhất thiết lúc nào cũng nhảy lên xuống, vẫy tay liên tục trong quá trình học tập mà cần phải được áp dụng một cách thận trọng.

Hiện tại, khoa học vẫn chưa xác định được chính xác mối liên hệ giữa cơ thể và tâm trí cần những điều kiện gì để đạt được hiệu quả tối ưu. Theo các nhà khoa học, những bài học mà chúng ta học ở trường được lưu trữ dưới dạng trí nhớ có thể tường thuật lại (một loại trí nhớ dài hạn). Điều đó lý giải vì sao chúng ta có thể nhớ lại hoặc vận dụng những kiến thức sau khi đã học.

Song, vẫn có một số dạng trí nhớ không thể tường thuật một cách chủ động được. Đó là những điều chúng ta có thể nhớ mà không thể giải thích nguyên nhân tại sao có thể nhớ. Ví dụ điển hình nhất là chúng ta không bao giờ quên cách đi xe đạp. Kỳ thực, các chuyển động vật lý của cơ thể dường như là một cầu nối đặc biệt giúp con người lưu trữ trí nhớ. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rẳng việc vừa nói vừa chuyển động sẽ kích kích não của chúng ra ghi nhớ cùng 1 sự kiện dưới 2 hình thức trí nhớ khác nhau. Từ đó sẽ thúc đẩy việc tiếp thu và ghi nhớ dài lâu hơn.

Mặc dù các nhà nghiên cứu như Manches hay Cook vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về nguyên lý vận hành của cơ chế ghi nhớ đặc biệt nói trên. Mục tiêu cuối cùng của các nhà nghiên cứu là nắm bắt được bản chất quá trình tiếp thu và ghi nhớ của bộ não, từ đó đưa ra được các biện pháp chủ động giúp con người có thể học tập, giảng dạy một cách hiệu quả hơn. Nếu tất cả đều được đưa ra ánh sáng khoa học, đây thật sự là một phương pháp hiện đại góp phần thay đổi phương pháp giáo dục theo hướng tích cực hơn trong tương lai.