Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Intel dùng thiết bị đeo để phục vụ quá trình nghiên cứu và điều trị bệnh Parkinson

Big_Data_Analytics_Platform.

Theo báo cáo mới nhất, Intel đã hợp tác cùng với quỹ Fox Foundation trong dự án phát triển công nghệ theo dõi, phân tích những biểu hiện và triệu chứng của bệnh Parkinson thông qua thiết bị đeo. Với sự hỗ trợ từ công nghệ trên, đội ngũ bác sĩ sẽ có thêm thông tin phục vụ quá trình nghiên cứu cũng như đề xuất phương pháp điều trị hữu hiệu bệnh Parkinson trong tương lai.

Mục tiêu chính của dự án là phát triển một ứng dụng mở trên thiết bị di động giúp thu thập, lưu trữ và chuyển tiếp dữ liệu thu thập được từ các thiết bị đeo và cả thông tin được cung cấp bởi người dùng. Bệnh nhân có thể sử dụng ứng dụng để ghi lại cảm nhận, tình trạng hiện tại và thời điểm uống thuốc cũng như các loại thuốc đang sử dụng trong quá trình điều trị.

theo_doi_chuyen_dong.

Mặt khác, dự án sẽ dùng các thiết bị đeo phổ biến để theo dõi toàn bộ các hoạt động trong ngày, nhịp sinh học, tư thế ngủ, dáng đi của người bệnh cũng như liên tục theo dõi sự thay đổi của môi trường xung quanh người đeo. Tất cả các dữ trên sau đó sẽ được truyền và lưu trữ trên hệ thống máy chủ đám mây của Intel để phục vụ công tác nghiên cứu.

Toàn bộ chu trình trên sẽ tạo thành một cộng đồng người bệnh với nền tảng có hướng truy cập mở, nơi mà dữ liệu thu thập được từ nhiều thiết bị đeo khác nhau có thể được chuyển tiếp về 1 hệ thống máy chủ. Sau đó, các nhà nghiên cứu và bác sĩ sẽ sử dụng các thông tin này nhằm phục vụ công tác nghiên cứu. Theo ước tính từ Intel thì lượng thông tin thu thập từ mỗi thiết bị tương ứng với mỗi người dùng sẽ có dung lượng vào khoảng 1 GB.

bebble.

Phía Intel cho biết: "Với các tiếp cận này, các nhà nghiên cứu không cần phải sử dụng hàng nghìn hồ sơ bệnh án trong quá trình nghiên cứu nữa. Đổi lại, toàn bộ các thông tin về bệnh nhân và diễn biến bệnh tình sẽ được sàng lọc, tổng hợp thậm chí là thống kê nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình nghiên cứu bệnh. Đây chính là tiền đề tạo nên những khám phá mới và mô hình điều trị hữu hiệu trong tương lai."

Cho tới thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm trên 16 bệnh nhân Parkinson và 9 tình nguyện viên thuộc nhóm nghiên cứu. Tất cả người tham gia đều sử dụng chiếc smartwatch Pebble trong suốt cuộc thử nghiệm kéo dài 4 ngày. Sau thử nghiệm, các thông tin thu thập được bao gồm cơn run, tư thế ngủ, dáng đi và sự thăng bằng của bệnh nhân. Các thông tin trên đều được liên tục thu thập với tần suất là 30 giây 1 lần.

Theo thông tin từ Intel thì nhóm nghiên cứu sẽ chính thức triển khai rộng rãi phiên bản đầu tiên của ứng dụng trên vào cuối năm nay và sẽ được thiết kế để hoạt động tương thích với hầu hết các thiết bị đeo trên thị trường.


Tham khảo Intel