Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Chính phủ Hoa Kỳ cấm phân phối bản mẫu dùng để in súng 3D

liberator-3d-printed-gun-parts copy

Liberator, tên của khẩu súng nhựa được chế tạo bằng phương pháp in 3D do hãng Defense Distributed thiết kế và cho tải trên website, đã bị chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh gỡ bỏ file để hạn chế người dùng Internet có thể tải về và tự in ra những khẩu súng nhựa có khả năng bắn đạn thật, loại đạn .380-calibre. Được biết, file để in ra khẩu súng này đã được tải về hơn 100.000 lần trên website của Defense Distributed và sau đó còn được tải lên trang chia sẻ file Pirate-Bay, chưa kể có thể nó còn được chia sẻ thêm bởi chính những người đã tải về từ trước đó nên số lượng người thật sự sỡ hữu những bản mẫu này có thể còn nhiều hơn.

Yêu cầu gỡ bỏ file được Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành và sau đó công ty Defense Distributed đã gỡ bỏ chúng theo yêu cầu. Liberator là một khẩu súng lục được ghép lại từ 16 mảnh ghép, 15 mảnh trong số đó được in bằng máy in 3D với chất liệu nhựa được nung chảy, chỉ có 1 chi tiết sau cùng làm bằng kim loại đó chính là kim hỏa, vốn có thể mua được ở các cửa hàng chuyên về phần cứng. Do súng được làm bằng nhựa, kim hỏa quá nhỏ nên nhiều khả năng súng Liberator có thể vượt qua được các máy dò kim loại ở sân bay hay trạm xe.

Anh Cody Wilson, 25 tuổi, người điều hành công ty Defense Distributed, là một sinh viên ngành Luật của trường Đại học University of Texas nói ý tưởng phân phối cách chế tạo súng 3D của anh được truyền cảm hứng từ một tác phảm văn học của thế kỷ 19, viết theo chủ trương vô chính phủ, theo đó, Wilson cho rằng bất cứ ai cũng nên có quyền sở hữu súng.


Các file dùng để chế tạo súng Liberator được vẽ bằng các phần mềm đồ họa, sau khi tải file về, người dùng với các máy in 3D có thể cho file vào máy để bắt đầu in. Do file gốc được cho tải trên website Mega, nơi toàn bộ các thông tin về những ai đã tải file đều được mã hóa nên chính quyền không thể biết được chính xác ai đã tải chúng về. Sau khi nhận được thông báo, Kim Dotcom, ông chủ của trang chia sẻ file Mega đã thông báo cho các nhân viên của mình hãy xóa tất cả những bản copy của mẫu in súng 3D trên website Mega. Theo thống kê, Tân Ban Nha là nước tải về nhiều nhất, tiếp đó là các nước Mỹ, Brazil, Đức và Anh. Mặc dù đã gỡ bỏ file theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao nhưng Wilson cũng nói thêm hành động này đã vi phạm đến tự do trên Internet.

Tuy nhiên, việc cho bất kỳ ai, kể cả trẻ em, người không có năng lực sử dụng súng, người chưa được cáp phép hay tệ hơn cả là khủng bố có thể chế tạo ra những khẩu súng 3D và không bị phát hiện bởi các máy dò kim loại rất dễ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt an ninh, không những trong ngành vận chuyển mà còn trong cả đời sống thường ngày của xã hội. Có một điều có thể nói là còn khá may mắn là các máy in 3D hiện nay còn khá đắt đỏ nên không phải ai cũng có điều kiện mua và sử dụng, chiếc máy in 3D mà Wilson dùng để chế tạo súng có giá khoảng 8.000 USD, còn các máy in 3D khác rẻ hơn cũng có giá lên tới khoảng 1.000 USD.

liberator_1
Các thành phần chế tạo súng được in bằng máy in 3D, ngoại trừ viên đạn và kim hỏa

liberator_2