Công cụ máy tính có thể phác thảo chân dung và sao chép phong cách vẽ
của họa sĩ
Bản phác thảo do họa sĩ thật vẽ (trái) và bản phác thảo lại của máy tính (phải).
Năm ngoái, viện công nghệ Fraunhofer đã giới thiệu một chú robot có thể phác thảo chân dung bằng bút chì. Trong trường hợp này, robot đã khai thác các thuật toán để nhận biết các ranh giới giữa những khu vực tương phản sáng và tối trên mặt chủ thể. Tuy nhiên, giờ đây các nhà khoa học tại viện nghiên cứu Disney, Pittsburgh đã tiến một bước xa hơn khi tạo ra một công cụ máy tính không chỉ có thể tạo ra bản phác thảo kỹ thuật số mà còn sao chép phong cách vẽ của các họa sĩ thật.
Các nhà nghiên cứu đã mời 7 họa sĩ, mỗi người sử dụng một bút vẽ và bảng vẽ để tạo ra các bức phác thảo kỹ thuật số dựa trên hình ảnh của 24 chủ thể cả nam và nữ. Mỗi họa sĩ vẽ 4 bản cho mỗi tấm ảnh. Ban đầu, họ có 270 giây cho mỗi bản phác thảo, sau đó thời gian vẽ được rút ngắn dần từ 90 đến 30 và 15 giây. Thời gian vẽ càng bị giới hạn khiến các bản phác thảo càng trở nên trừu tượng.
Khi họa sĩ bắt đầu vẽ, nét vẽ sẽ được ghi lại. Các yếu tố như độ dài, độ cong, áp lực đè xuống đầu bút, tốc độ phóng bút và hướng vẽ đều được ghi chú chi tiết. Các nét vẽ sau đó được chia thành 2 nhóm gồm các nét vẽ bóng và vẽ viền. Những nét vẽ viền tiếp tục được chia thành các nét phức tạp và đơn giản. Máy tính cũng ghi chú thứ tự của các nét vẽ và mỗi họa sĩ sử dụng các nét mặt khác nhau để xác định điểm bắt đầu, điểm giữa và điểm cuối.
Thêm vào đó, mô hình phác thảo trên máy tính cũng cho thấy các khuynh hướng đặc trưng của mỗi họa sĩ khi họ vẽ lệch với bố cục hình học trên mặt của chủ thể trong tấm ảnh. Cho dù là cố ý hay chỉ đơn giản là một sai sót, một số họa sĩ đã liên tục vẽ 2 mắt của chủ thể gần nhau hơn so với vị trí thật sự của chúng trên mặt chủ thể hoặc vẽ đường nét của hàm dưới vuông hơn.
Dựa trên dữ liệu ghi lại, máy tính sau đó đã có thể tự tạo ra các bản phác thảo của khuôn mặt chủ thể trên ảnh theo phong cách của từng họa sĩ. Mặc dù các bản phác thảo do họa sĩ và máy tính không đồng nhất nhưng khi nhìn qua, chúng dường như được một người vẽ ra (xem video dưới).
Các nhà khoa học tại viện Disney hy vọng rằng công nghệ có thể được mở rộng ra nhiều thể loại khác ngoài chân dung, đặc biệt là tiềm năng sử dụng trong các lĩnh vực như vẽ nhân tạo hay hoạt hình. Ngoài ra, công nghệ trên có thể là một công cụ hữu ích giúp các họa sĩ tự tiến bộ bằng cách cung cấp cho họ cái nhìn của một người thứ 3 đối với tác phẩm của mình.