Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Đồ bơi với họa tiết đặc biệt ngăn cá mập tấn công người mặc

Shark-Attack

Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 100 người bị cá mập tấn công. Một trong số những lý do khiến người đi bơi hay lướt sóng trở thành miếng mồi ngon của cá mập là vì bộ đồ bơi màu đen truyền thống khiến họ trông không khác hải cẩu. Vì vậy, mới đây công ty Shark Attack Mitigation Systems (SAMS) của Úc đã phát triển một loại bộ đồ bơi với thiết kế với các họa tiết đứt gãy gây khó khăn cho cá mập khi nhìn và khiến chúng lưỡng lự khi tấn công.

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều nghiên cứu về các loại đồ bơi chống cá mập. Vào những năm 1970, người ta đã tạo ra một loại đồ bơi dạng lưới kim loại giống áo giáp để bảo vệ người mặc khỏi những cú cắn của các loài cá mập nhỏ. Sau đó, người ta còn tạo ra loại đồ bơi điện, có thể phóng điện gây sốc cho kẻ tấn công và mới nhất là đồ bơi của SAMS với khả năng gây nhiễu cảm nhận điện trường của cá mập. So với các nổ lực trước đây về đồ bơi chống cá mập thì SAMS lại tiếp cận theo một hướng khác, đó là khai thác khả năng ngụy trang và cản trở mục đích săn mồi dựa trên hành vi và khoa học giải phẫu của cá mập.

Cá mập sở hữu các giác quan rất lạ thường. Chúng có khứu giác nhạy đến mức khiến các máy móc hiện đại phải "hổ thẹn". Cụ thể là một con cá mập có thể nhận biết một giọt máu trong nước biển cách đó 3 dặm (4,8 km). Ngoài ra, cá mập còn phát hiện được các dòng điện yếu với độ chính xác cao giúp nó không chỉ nhận biết con mồi mà còn phân biệt được con mồi có bị thương hay không. Tuy nhiên, cá mập vẫn dựa vào thị giác khi tấn công. Nếu ngăn chặn hay làm rối loạn tầm nhìn của cá mập, cuộc tấn công có thể sẽ không diễn ra hay ít nhất là bị trì hoãn đủ lâu để người đi bơi hay thợ lặn tìm được nơi an toàn.

cryptic_patterns

Đồ bơi với họa tiết Cryptic dành cho người đi bơi/lặn.

Bộ đồ bơi của SAMS được phát triển dựa trên nghiên cứu của giáo sư Shaun Collin và Nathan Hart đến từ Viện đại dượng học tại đại học Western Australia. Họ đã tìm hiểu về cách cá mập nhìn dưới nước thông qua hành vi, giải phẫu mắt cá và cả sinh học phân tử của võng mạc trên nhiều loại các mập lớn. Bằng cách này, họ đã có thể xác định các đặc tính quang học của mắt cá mập và màu sắc cũng như hình dạng mà mắt cá thấy được.

Những khám phá của họ sau đó được áp dụng theo 3 kịch bản: 1 người đang bơi trên mặt nước, 1 người lặn dưới 5 m và 15 m nước. Các thí nghiệm được thực hiện tại vùng biển Địa Trung Hải hoặc vùng biển cận nhiệt đới trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Sau cùng, kết quả thí nghiệm được đúc kết thành một công thức xem xét về màu sắc, độ tương phản, kích thước, hình dạng chủ thể được quan sát, độ sâu của nước và khoảng cách từ chủ thể đến cá mập.

Cá mập nhìn mọi thứ theo 2 màu đen và trắng nhưng màu sắc sẽ thay đổi cách ánh sáng được phản chiếu. Màu sắc và hình dạng khác nhau sẽ hiển thị khác nhau tại nhiều độ sâu và khoảng cách dưới mặt nước. Qua đó, một bộ đồ bơi với các họa tiết khác nhau và màu sắc có độ tương phản khác nhau có thể khiến cá mập bị rối loạn khi nhìn vào, làm giảm tiềm năng bị tấn công hay ít nhất là trông không được "ngon miệng" theo suy nghĩ của cá mập. Điều này đã được thử nghiệm thực tế trên biển với cá mập thật và dĩ nhiên là với một chiếc phao mồi thay vì người.

warning_pattern
Họa tiết Warning dành cho người lướt sóng.

SAMS đã tạo ra 2 họa tiết cơ bản. Đầu tiên là họa tiết Cryptic được thiết kế cho thợ lặn và người đi bơi. Theo các nhà phát triển, cá mập sẽ gặp vấn đề khi nhìn vào họa tiết này bởi màu sắc gây rối uốn cong vào màu nền. Thứ 2 là họa tiết Warning dành cho người lướt sóng, được thiết kế nhằm khiến người mặc trông không giống con mồi và "gớm ghiết" bằng cách mổ phỏng lớp da của một số loài cá. Nhóm phát triển cho biết bộ đồ bơi với họa tiết này không ngăn ý định tấn công của cá mập nhưng sẽ làm tăng xác suất lưỡng lự của cá mập khi tiếp cận, qua đó tạo cơ hội cho người mặc trốn thoát. Bạn có thể xem trong video dưới:


Đồ bơi không phải là mục tiêu duy nhất của công nghệ SAMS. Kể từ khi các loại ván lướt sóng, xuồng kayak và bình dưỡng khí của thợ lặn cũng bị cá mập tấn công thường xuyên thì trên thị nhóm phát triển cũng đã bắt đầu tạo ra các lớp bọc hay miến dán để bảo vệ trước hàm răng sắc nhọn của kẻ săn mồi hung tợn dưới đại dương.