Hộp sọ chế tạo bằng công nghệ in 3D lần đầu tiên được cấy ghép thành
công lên bệnh nhân
Mới đây, một người phụ nữ 22 tuổi đã được thay thế toàn bộ phần trên của hộp sọ (từ đỉnh sọ đến trán) bằng một thiết bị cấy ghép được chế tạo bằng máy in 3D. Nữ bệnh nhân này đang phải chịu đựng nhiều triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng do một tình trạng đặc biệt khiến hộp sọ dày hơn so với bình thường. Các bác sĩ tin rằng đây là trường hợp đầu tiên được cấy ghép loại thiết bị này.
Công nghệ in 3D hiện đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực y học để sản xuất các bộ phận cấy ghép như hàm dưới giả, chân tay giả và thậm chí tế bào. Trong trường hợp trên, hộp sọ được mô hình hóa 3D và sau đó được in từ một khối nhựa duy nhất để có thể điêu khắc theo đúng hình dạng và kích thước vừa với phần sọ còn lại.
Tiến sĩ Bon Verweij đến từ đại học y Utrect (UMC Utrecht) - chỉ đạo ca phẩu thuật cho biết trước tiên ông phải làm quen với việc tái thiết kế và in 3D phần hộp sọ. Các thành phần cấy ghép trước đây thường được sử dụng khi một phần của hộp sọ được loại bỏ để giảm áp lực lên não bệnh nhân. Sau đó, phần hộp sọ được lấy ra hoặc một thiết bị cấy ghép tương tự sẽ được đắp lên khoảng trống hộp sọ một khi tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã được cải thiện.
Hộp sọ nhân tạo đã được cấy ghép thành công vào bệnh nhân sau ca phẫu thuật kéo dài 23 giờ.
Verweij cho biết thiết bị cấy ghép bằng cement không phải lúc nào cũng là giải pháp tối ưu bởi công nghệ in 3D hiện nay có thể đảm bảo yêu cầu về các thành phần có độ chính xác cao. "Công nghệ này có những ưu điểm lớn, không chỉ đáp ứng tính thẩm mỹ mà còn bởi vì các bệnh nhân được cấy ghép sẽ có chức năng não tốt hơn so với phương pháp truyền thống," ông giải thích.
Verweij đã làm việc với một công ty tại Úc có tên Anatomics để sản xuất hộp sọ thay thế. Anatomics chuyên làm các thiết bị cấy ghép tùy biến, các mô hình phẫu thuật cho ngành y tế và là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực in 3D. Không chỉ là lần đầu tiên trong loại hình cấy ghép này, ca phẫu thuật còn rất quan trọng đối với bệnh nhân.
"Hộp sọ dày khiến não phải chịu áp lực ngày một tăng. Sau cùng, cô ấy mất dần thị lực và bắt đầu suy giảm khả năng phối hợp vận động. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian trước khi các chức não cần thiết còn lại suy yếu và cô ấy có thể chết. Vì vậy, phẫu thuật tập trung là điều vô cùng bức thiết nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có liệu pháp chữa trị hiệu quả cho những bệnh nhân này."
Ca phẫu thuật cho bệnh nhân 22 tuổi đã được thực hiện thành công cách đây 3 tháng nhưng mãi đến hôm nay mới được UMC Utrecht công bố. Theo Verweij, bệnh nhân đã lấy lại hoàn toàn thị lực và không cảm thấy đau nữa, đồng thời bệnh nhân cũng đã lại với công việc mà không gặp trở ngại gì sau ca phẫu thuật. Thành quả trên cũng có nghĩa UMC Utrecht giờ đây là một địa điểm tin cậy để thực hiện các phẫu thuật tương tự.