DSLR với hàng dàn ống kính cùng thiết bị hỗ trợ phong phú là "giấc mơ nhiếp ảnh" của nhiều người - từ chụp sâu dưới đáy biển cho tới thám hiểm cung trăng (với NASA), từ những ống kính phóng đại macro nhiều X cho tới thiên nhiên hoang dã, thể thao, sự kiện .... chính vì lẽ đó mà các hãng hàng đầu đã bán được khá nhiều "giấc mơ" mà thực tế đa phần người mua nó chẳng bao giờ thực hiện được (vì nhiều lý do này nọ kia ấy). Đừng hiểu sai ý tôi, mặc dù họ không thực hiện toàn vẹn "giấc mơ" nhưng niềm vui nhiếp ảnh thì hầu như vẫn còn nguyên vẹn cho dù sở hữu thiết bị gì.
Hệ thống máy ảnh bộ nhỏ gọn không gương lật (mirrorless compact system camera CSC, hay EVIL ...) sinh sau đẻ muộn nhưng có một sứ mệnh rất quan trọng, đó là nhỏ nhẹ hơn mà vẫn giữ được chất lượng hình tương đương DSLR, dĩ nhiên được cái này thì mất cái kia, bạn có thể tìm hiểu rõ hơn ở bài so sánh này
Đại diện Panasonic so sánh DSLR 4/3 với mirrorless m4/3 - Giới thiệu Panasonic G1 - 10/2008
Chính vì lẽ đó, những bạn dự định mua hệ thống không gương lật CSC đa phần đã hiểu đôi chút về ưu nhược điểm của nó so với DSLR và thường không có những "giấc mơ lớn" - họ biết những gì mà hệt thống nhỏ gọn này mang lại và tập trung "sáng tạo trong khuôn khổ" mà hệ thống này cho phép.
Dĩ nhiên tôi cũng có thấy một bộ phận nhỏ người chơi, nuôi "giấc mơ lớn" từ đầu nhưng lại mua CSC và sớm chia tay với nó. Và cũng có một bộ phận khác dần dần nảy sinh giấc mơ hoành tráng rồi đổi qua DSLR làm lớn chuyện luôn. Điều đó cũng rất bình thường.
Vậy hãy thử nghiên cứu các hãng bán công cụ "sáng tạo trong khuôn khổ" xem sao
- M4/3: Olympus và Panasonic:
- Dùng chung hệ ống kính tương thích hoàn toàn. Máy của Olympus chống rung trên thân máy và máy Panasonic chống rung nhờ vào ống kính. Đây là hai hãng sáng lập hệ mirrorless, "lâu đời" nhất và vì vậy cho hệ thống gần 50 ống kính rất phong phú sản xuất bởi 5 hãng khác nhau. Tuy hai hãng "hợp tác" trên cùng một hệ m4/3 nhưng có những sự khác biệt nho nhỏ như chống rung, như phần mềm sửa lỗi quang sai của từng ống kính, quay phim .... dẫn đến nhiều sự "so kè" nho nhỏ giữa các hãng.
- Có thể coi kích thước sensor là "khiêm tốn" so với fullframe và APS-C nhưng công nghệ hiện nay cho phép ISO tới 3200 mà hình vẫn ở mức sử dụng được, nên điều này cũng không phải là nhược điểm lớn. Hai hãng có quá nhiều model từ trước đến nay và vẫn đang bán xen kẽ, lưu ý máy nào có 16MP là máy mới và thực sự tốt - tuy giá không hề rẻ so với DSLR khởi điểm.
- Nhìn chung ống m4/3 nhỏ gọn và chất lượng quang học tuyệt vời đủ cả zoom lẫn fix chạy từ 18mm - 600mm (tương đương hệ 35mm).
(Xem bài trải nghiệm GX7 tại đây)
Chùa Cầu - Hội An - Panasonic GX7 với ống Panasonic 14mm - 12/2013
- Sony Nex và bây giờ là Alpha
- Nex ra đời năm 2010 và đổi về tên Alpha vào cuối 2013, dòng Nex và Ax000 sử dụng cảm quang APS-C trong khi Alpha A7(r)(s) sử dụng cảm quang Fullframe. Chất lượng hình của Nex/Alpha khỏi phải nói, rất tốt. Tuy nhiên một "thua thiệt" so với hệ m4/3 cho tới hiện nay đó là "máy thì nhiều mà ống chẳng bao nhiêu". Tuy nhiên vì chất lượng ảnh rất tốt nên nhiều tay máy đã kiếm adapter để sử dụng những ống kính của Nikon, Leica ... Mua máy Sony là bạn phải khá kiên nhẫn bởi sự thiếu tạm thời này đặc biệt là fullframe A7. Dĩ nhiên các hãng thứ ba như Tokina, Sigma, Tamron cũng đã bắt đầu nhộn nhịp sản xuất E-mount lens bên cạnh bạn hàng Zeiss truyền thống (và đắt giá)
- Hiện tại Sony có khoảng 18 ống của cả Sony và Zeiss
- Tuy body của những máy Nex/Alpha nhỏ một cách kỳ lạ nhưng những ống kính của chúng thì vẫn lớn tương đương DSLR cả crop lẫn fullframe, nên nếu bạn lắp ống kính vào thì kích thước của nó trở nên không phải là lợi thế vượt trội so với những chiếc DSLR vừa và nhỏ.
(Xem bài đánh giá Nex 5t tại đây)
Bãi biển Nha Trang - Sony Nex 3 với ống 18-55mm - 7/2010
- Fujifilm
- Sensor APS-C rất ngon, ống kính Fujinon huyền thoại, kiểu dáng đẹp làm cho fujifilm mirroless không hề rẻ. Những chiếc ban đầu đã từng rất tai tiếng với autofocus chậm rùa, nhưng những chiếc gần đây đã cải thiện ngoạn mục. Cả ống Fuji lẫn các hãng thứ ba thì X-mount hiện tại có khoảng 15 ống cả zoom và fix.
(Xem bài Fujifilm không gương lật - chọn chiếc nào)
- Samsung NX
- Dòng NX sử dụng cảm quang APS-C và mini NX mới cảm quang 1 inch (như Nikon 1) cho chất lượng ảnh tốt, ống kính cũng rất tốt, tuy nhiên có vẻ như Samsung không muốn bán hàng nên chiến lược quảng bá cũng như tính sẵn có của ống kính nhất là ở Việt Nam rất .... khó đoán. Samsung NX hiện có khoảng 12 ống kính và ống Samyang cho NX cũng có khoảng 9 chiếc. Mini NX có 3 ống.
(Xem bài Samsung NX1000 chụp và chia sẻ)
Đà Lạt - Samsung NX300 với ống 60mm macro - 5/2013
- Nikon 1
- Sử dụng cảm quang 1 inch có thể coi là nhỏ nhất so với các dòng nói trên. Có lẽ là để không đối đầu trực tiếp với DSLR của chính mình. Về lý thuyết mà nói thì Nikon 1 phải rẻ hơn Nikon DSLR dòng khởi điểm nhưng thực tế nó vẫn đắt ngang hoặc hơn (giá ban đầu) Nikon 1 có tốc độ chụp và lấy nét liên tục có thể coi là (một cách còn tranh cãi) nhanh nhất so với mirrorless của hãng khác. Cảm quang này sẽ hơi thua thiệt những chiếc ở trên khi chụp thiếu sáng, nhưng khi Nikon ra chiếc ống 70-300mm thì có lẽ bắn chim sẽ rất ngon bởi tương đương 810mm lại bắt nét tốt.
- Nikon 1 có khoảng hơn 12 ống kính và dĩ nhiên sử dụng được ống kính của nikon DSLR với adapter. Chiếc AW1 là chiếc chống chịu nước duy nhất từ trước tới giờ có cảm quang 1 inch và có thêm 3 ống kính chịu nước.
(Xem bài Trải nghiệm Nikon V1)
Nikon V1 với ống 10-30mm
- Canon EOS-M
- Cảm quang APS-C Có vẻ như canon sản xuất mirrorless cho có, kiểu dáng thường thường, không có điểm nhấn gì đặc biệt tuy chất lượng hình và tính năng rất sát với Canon DSLR dòng khởi điểm. Ống kính chỉ có ba chiếc, dĩ nhiên có thể sử dụng ống của Canon DSLR với adapter. Với dòng DSLR đang bán chạy nhất thế giới thì có lẽ Canon mirrorless đang ngọa hổ tàng long để chờ thời, chứ hiện tại thì chưa có gì để nói nhiều.
Ngoài ra còn có những chiếc mirrorless của Leica, Kodak, Pentax ... mà độ phổ biến của chúng không lớn, xin phép không nói nữa để bài đừng dài quá.
Trở lại vấn đề ban đầu: Mirrorless ra đời với một sứ mệnh "nhỏ và đẹp". Với nhu cầu thông dụng thông thường: chụp phong cảnh, đời thường, chân dung ... thì nó chiến đấu ngang cơ với DSLR thậm chí là ưu việt hơn bởi sự nhỏ nhẹ tiện mang vác, nhưng nó chịu thua DSLR ở những tác vụ đòi hỏi sự dẻo dai và cực đoan (chụp hàng trăm tới hàng ngàn tấm liên tục, rất gần, rất xa, rất nhanh ...)
Panorama từ cầu Rồng Đà Nẵng - Sony Nex 5t với ống 16-50mm - 11/2013
Khi mua hệ thống mirrorless bạn nên cân nhắc điều gì
- Hãng ưa thích
- Kích thước cảm quang FF, APS-C, 4/3 hay 1 inch.
- Kiểu dáng / cầm nắm / chụp, trong đó lưu ý thích kiểu dáng giống máy ngắm chụp giơ tay ra xa hay giống DSLR nhiều hơn (có ống ngắm quang)
- Hệ thống ống kính có sẵn chính hãng bao gồm ống cho chính mirrorless và ống DSLR gắn được qua adapter.
- Hệ thống ống kính của hãng khác (Leica, Zeiss, Voigtlander …) có kết nối điện hay chỉnh tay hoàn toàn
- Các tính năng khác như tốc độ lấy nét, màn hình xoay lật, quay phim FullHD, kết nối không dây
Và sau cùng, tuy mirrorless chỉ là "sáng tạo trong khuôn khổ" so với DSLR, nhưng khuôn khổ này ngày càng được nới rộng và thực tế mà nói, chẳng ai và chẳng thiết bị nào giới hạn bạn ngoại trừ chính bạn