Vì sao Microsoft làm bộ ứng dụng văn phòng Office cho iPad trước
Android?
Hồi đầu tháng này hãng nghiên cứu Gartner thông báo rằng thị phần iPad trong năm 2013 đã giảm chỉ còn 36%, trong khi các tablet Android lại tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm tỉ trọng lên đến 61,9%. Với thị phần lớn như thế, vì sao Microsoft lại ưu tiên phát triển bộ ứng dụng văn phòng của mình cho iPad chứ không phải là các tablet sử dụng nền tảng của Google vốn đang phổ biến hơn?
Số liệu tablet của Gartner
Gartner rất xem trọng số liệu của mình, và hãng nói nghiên cứu do mình thực hiện là "sự tổng hợp một cách bao hàm nhất những phân tích và lời cố vấn dành cho người dùng cũng như các công ty công nghệ". Số liệu của Gartner cũng cho thấy xu hướng tương tự như các báo cáo do hai hãng nghiên cứu lớn khác là IDC và Strategy Analytics đưa.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các nghiên cứu có thể lên đến nhiều nhất là 9,8 triệu chiếc tablet trong một quý bởi mỗi công ty có các nguồn của riêng mình để thu thập dữ liệu. Chính vì thế, sai lệch giữa các công ty khảo sát thị trường là điều khó tránh khỏi. Chỉ duy nhất một loại số liệu mà các công ty đều đồng tình với nhau, đó chính là doanh số iPad bởi Apple là công ty duy nhất công bố cụ thể họ đã bán được bao nhiêu chiếc tablet trong những báo cáo tài chính thường kì.
Về phía Microsoft, chắc chắn hãng cũng biết hết về những số liệu trên thông qua các nghiên cứu được công khai trong suốt năm 2013. Hãng cũng không lạ gì với dự đoán của các công ty khảo sát về việc thị phần iPad đang giảm đi trong bối cảnh ngày càng nhiều tablet Android xuất hiện ở nhiều phân khúc khác nhau, từ giá rẻ cho đến cao cấp. Thế nhưng, thực chất thì Microsoft, với vai trò là một khách hàng lớn của những công ty khảo sát nói trên, có quyền truy cập vào nhiều số liệu hơn những gì được công khai trên Internet.
Trong một cuộc nói chuyện với trang Apple Insider hồi năm ngoái, nhà phân tích Ryan Reith của IDC nói công ty ông nhận thấy trong năm 2013 có một đợt tăng mạnh số lượng thiết bị di động cấp thấp, trong đó có nhiều tablet "hạng hai" dùng vi xử lí tầm thấp có xung nhịp nhiều khi chỉ 600Mhz. Reith mô tả chúng là các "tablet dành cho trẻ em, tablet giá rẻ hoặc chỉ là đồ chơi". Những chiếc tablet như thế, thật bất ngờ, lại chiếm một tỉ trọng khá lớn ở thị trường máy tính bảng trong toàn cầu.
Điều đó cho thấy rằng sự suy giảm thị phần của iPad phần lớn đến từ các tablet giá rẻ tầm thấp, không phải từ các đối thủ lớn cũng như các máy tính bảng trung - cao cấp đến từ Samsung hay Microsoft.
Và những thông tin này không phải lúc nào cũng được IDC công bố rộng rãi. Họ chỉ cung cấp nó cho một số khách hàng "chịu chi" như Microsoft mà thôi. Bù lại, Microsoft có được cái nhìn chính xác hơn vào thị trường tablet. Microsoft biết mình không thể mạo hiểm phát triển một bộ ứng dụng lớn dành cho những chiếc máy tính bảng tầm thấp mà nhiều khả năng là chủ nhân của chúng chẳng chịu bỏ tiền ra để có quyền sử dụng app.
CEO mới của Microsoft - ông Satya Nadella - từng phát biểu tại buổi ra mắt Office dành cho iPad rằng công ty ông không hề lo lắng về việc phần mềm của mình đang vô tình giúp cho nền tảng của Apple phát triển. Thay vào đó, Microsoft quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp phần mềm và dịch vụ đám mây của mình đến những thiết bị di động mà khách hàng sẽ thật sự dùng đến.
Đây cũng là một sự kiện đánh dấu bước chuyển đổi lớn cho chính công ty. Vào những năm cuối thập niên 1980, Bill Gates từng nổi tiếng khi nói với Steve Jobs rằng Microsoft sẽ không bao giờ viết phần mềm cho NeXT Computer (khởi nguồn của Mac OS X). Gates nói: "Phát triển (phần mềm) cho nó? Tôi sẽ tè vào nó đấy chứ".
Khoảng 10 năm sau, Jobs đã đe dọa Gates bằng một vụ kiện bằng sáng chế có thể khiến Microsoft mất đi hàng tỉ đô là tiền đề bù, phải đến mức đó Microsoft mới đồng ý đưa bộ ứng dụng văn phòng của mình lên các máy Macintosh. Kết quả là bộ Office for Macintosh cũng ra đời, tuy nhiên nó rất tệ chứ không được tốt như Office 2011 hiện nay, và tất nhiên điều đó là cho Apple, Jobs cũng như khách hàng xài máy Macintosh rất thất vọng.
Gần đây nhất, cựu CEO Steve Ballmer của Microsoft cũng được cho là đã hoãn ra mắt việc xây dựng bộ Office dành cho iPad đáng lý ra đã được giới thiệu từ năm 2012. Ballmer lo ngại rằng ứng dụng này sẽ khiến iPad chiếm lấy thị phần của hai mẫu máy tính bảng mà Microsoft mới ra mắt thời bấy giờ, đó là Surface RT và Surface Pro. Cuối cùng thì hai mẫu máy này vẫn bán không được tốt như mong đợi, thậm chí chiếc Surface RT còn khiến công ty bị lỗ một khoản tiền lên tới hơn 900 triệu USD vì chi phí tồn kho.
Chưa hết, khi ra mắt Windows 8 cũng như các máy Surface, Microsoft đã mạnh tay chi 1 tỉ USD tiền quảng cáo cho nền tảng và thiết bị mới của mình. Trong chiến dịch này, không ít lần Microsoft đã tung ra những đoạn clip ẩn ý rằng iPad chỉ là một món đồ chơi chứ không thể dùng cho những công việc thực thụ.
Vậy mà giờ đây hãng lại mang một trong những sản phẩm chủ lực của mình, bộ ứng dụng văn phòng Office, lên cho món đồ chơi mà công ty từng châm chọc một thời. Món đồ chơi này đã thật sự khiến Microsoft phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình, và hãng buộc phải gạt bỏ sang bên lề những lời lẽ trước đây để viết app cho nền tảng của đối thủ đang trực tiếp cạnh tranh với mình. Đó cũng là cách mà Microsoft có thể giữ cho bộ Office sống được trong thời kì hậu PC hiện nay.
Và điều đó thật sự đang diễn ra. Hầu hết những tấm bảng quảng cáo chụp hình chiếc Surface như là thiết bị di động duy nhất có khả năng chạy Office giờ đang được hãng thay thế bằng những hình ảnh khác. Trước hãng cũng từng đưa ra một đoạn clip sử dụng iPad để ra lệnh cho Siri chạy PowerPoint. Lúc đó quả thật iPad không làm được, nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã khác rồi. Không chỉ PowerPoint mà cả Word, Excel hay OneNote, OneDrive, iPad đều có khả năng đảm nhiệm hết.
Sự lặp lại
Chỉ 5 tháng trước, Microsoft đã triển khai một chiến dịch quảng cáo dưới sự chỉ huy của Frank Shaw, phó chủ tịch chịu trách nhiệm về truyền thông cho công ty. Shaw cũng có viết một bài trên blog về việc iPad chỉ là một "thiết bị giải trí" và bộ Pages, Numbers, Keynote của Apple chỉ là những công cụ "nhẹ nhàng và đang vất vả tồn tại". Ông thậm chí còn ẩn dụ rằng iWorks chỉ đang bắt chước lại Microsoft Office mà thôi.
Vậy mà trong tuần rồi, Shaw cũng chính là người đã giúp buổi ra mắt Office cho iPad diễn ra suông sẻ. Không dừng lại ở đó, đại diện của công ty đã trình diễn những tính năng của Office tương tự như cách mà Apple giới thiệu bộ iWork tại sự kiên ra mắt chiếc iPad đời đầu (lúc đó là năm 2010), thay vì nói về những điểm mạnh khiến Microsoft Office khác biệt với iWork.
Ví dụ, hãng đã có thể nói về việc đồng bộ hóa thông qua OneDrive, một dịch vụ trực tuyến cho phép người dùng truy cập các tài liệu của mình mọi lúc mọi nơi với khả năng quản lý linh hoạt hơn nhiều lần so với iCloud. Microsoft cũng có thể nhắc đến giao diện Ribbon tương tự như máy tính giúp truy cập các chức năng của Office một cách nhanh chóng, trực quan.
Đáng tiếc thay, Julia White, quản lý trưởng mảng Office, chỉ nhấn mạnh khả năng chèn hình và tự đẩy chữ của Word (trong khi Pages cũng có), tính năng trình bày bảng tính đẹp với bàn phím số riêng của Excel (Numbers cũng có), và các hiệu ứng chuyển cảnh hoặc tinh chỉnh slide trong PowerPoint (Keynote cũng làm được).
Ngoài ra, Microsoft Office dành cho iPad chưa có khả năng in ấn, trong khi bộ iWork của Apple đã làm được chuyện này từ lâu. Office không hỗ trợ AirPrint hoặc bất kì một hình thức in ấn nào cả, ngoại trừ việc bạn phải tự chia sẻ tập tin đó cho mình hoặc lên OneDrive lấy về, sau đó mở bằng iWork thì mới in được. Microsoft hứa rằng trong một bản cập nhật sắp tới, hãng sẽ bổ sung tính năng in không dây này cho bộ công cụ văn phòng của mình.
Bộ Office của iPad vẫn còn có một trở ngại rất lớn, đó chính là chi phí sử dụng. Chúng ta có thể tải Word, Excel, PowerPoint hoàn toàn miễn phí từ trên App Store về, tuy nhiên bạn chỉ có thể xem hoặc trình chiếu tài liệu mà thôi. Bạn không được quyền biên tập, chỉnh sửa nội dung, trừ khi bạn đăng kí sử dụng gói Office 365 giá 99,99$ một năm. Gói bản quyền này tất nhiên không chỉ xài cho iPad mà còn cho tối đa 5 máy tính cùng lúc. Nhưng dù sao thì giá này cũng đã đắt hơn so với iWork, vốn chỉ có 9,99$/app và bạn sẽ vĩnh viễn sở hữu nó. Chưa kể đến việc Apple hiện đã cung cấp miễn phí iWork cho người dùng iPhone, iPad đời mới.
Tại sao không là Android?
Quay trở lại vấn đề chính của chúng ta, đó là sau hơn một năm "trù dập" iPad bằng quảng cáo và truyền thông, đáng lẽ Microsoft phải mang Office lên Android trước chứ không phải là iOS. Android đang trong tình trạng thiếu thốn những ứng dụng thật sự được tối ưu hóa cho thao tác cảm ứng với giao diện đẹp, thế nên nếu bộ Office xuất hiện thì người dùng Android sẽ rất hứng thú. Ngoài ra, Microsoft cũng đang thu được khá nhiều tiền từ việc cấp phép sử dụng bản quyền cho các hãng phần cứng Android, do đó việc Office được đem lên Android sẽ là một động lực giúp tăng doanh số máy, từ đó cho phép hãng có thêm nguồn thu nhập.
Đáng tiếc rằng vẫn còn nhiều vấn đề với tablet Android. Đầu tiên là việc thị trường tablet Android hiện nay chủ yếu là các máy "hạng hai" như đã nói ở trên. Những mẫu máy này rất hạn chế về tính năng, khả năng xử lí, tốc độ hoạt động nên nó không phải là mảnh đất màu mỡ cho Microsoft.
Ngoài ra, Android còn bị tình trạng phân mảnh khá nặng nề, cả về phần cứng lẫn phần mềm. Đây cũng là một việc mà Google đã nỗ lực giải quyết trong nhiều năm qua. Việc phát triển một bộ ứng dụng đồ sộ cho iPad, vốn giữ nguyên tỉ lệ màn hình từ đó đến nay và chỉ khác kích cỡ tấm nền giữa iPad Air với iPad mini, sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, nguồn lực cho hãng. Chưa kể là trong thời gian về sau, việc bảo trì, nâng cấp app sẽ dễ dàng hơn so với việc phải viết ứng dụng tương thích với nhiều loại tỉ lệ, nhiều loại kích thước màn hình trên các tablet Android. Người dùng iOS cũng có xu hướng nâng cấp hệ điều hành lên bản mới nhanh hơn so với Android, tạo nên một sự đồng nhất (ở mức độ nào đó) cho hệ sinh thái ứng dụng của iPad.
Công cụ phát triển app của Android
Theo trang tin Apple Insider và TechCrunch, công cụ phát triển ứng dụng Android yếu hơn và khó dùng hơn. Một bài viết mới đây của TechCrunch đã phân tích rằng bộ Xcode của Apple mang lại cảm giác thoải mái khi sử dụng, nó có hệ thống tìm lỗi hoạt động tốt, còn trình giả lập máy iOS thì chạy nhanh và có tốc độ phản hồi tốt. Ngược lại, môi trường lập trình Eclipse IDE dành cho Android thì "tệ đến mức xấu hổ. Nó chậm, nặng nề, thiếu trực quan, giao diện xấu, nhiều chỗ phức tạp không cần thiết. Nó chỉ là một đống lộn xộn".
TechCrunch nói thêm rằng công cụ thiết kế giao diện của Apple rất dễ dùng và có thể giúp lập trình viên nhanh chóng tạo ra một phần mềm đẹp. Trong khi đó, Android cũng có một công cụ tương tự, "nhưng hãy nói về nó càng ít càng tốt". Kết luận lại, TechCrunch nói Android có thế mạnh riêng của mình, nhưng nhìn chung, việc phát triển ứng dụng cho iOS vẫn dễ hơn so với Android".
Mình cũng từng nói chuyện với một số lập trình viên di động thì họ cũng có nhận xét tương tự: Xcode của Apple trực quan hơn so với Eclipse dùng cho Android. Họ cũng đánh giá cao Visual Studio, công cụ do Microsoft phát hành để lập trình ứng dụng cho cả Windows lẫn Windows Phone, vì tính trực quan và dễ dùng của mình.
Mô hình kinh doanh của Android khiến lập trình viên gặp khó khăn
Những vấn đề trên đã góp phần giải thích vì sao máy Android có rất ít app được tối ưu hóa. Nhưng ngay cả với những phần mềm Android được viết tốt cũng khó mà đạt doanh số bằng bên iOS nói chung và iPad nói riêng. Ngoài ra, mô hình kinh doanh chính của Android là quảng cáo, cũng là phương thức kiếm tiền chủ yếu của Google đối với hệ điều hành này. Người dùng Android có thể sẽ không đồng ý chi nhiều tiền để mua gói Office 365 như người dùng iOS, khi đó Microsoft buộc phải kiếm doanh thu từ quảng cáo để bù đắp lại chi phí đã bỏ vào việc xây dựng phần mềm. Và bạn hãy thử tưởng tượng xem một bộ Office miễn phí nhưng gắn quảng cáo khi chạy trên Android sẽ trông như thế nào nhé.
Chúng ta cũng có thể phân tích một chút về việc kinh doanh phần cứng iPad. Apple bán máy tính bảng của mình (cũng như smartphone, PC, máy nghe nhạc) ở mức giá cao, nhắm đến phân khúc cao cấp hoặc tiệm cận dưới của cao cấp, ít bao giờ hãng tiến xuống tầm trung và tầm thấp. Trong khi đó, các hãng sản xuất Android lại hạ thấp giá sản phẩm của mình nhằm thu hút khách, nhưng đổi lại trải nghiệm người dùng bị giảm đi. Những người thích Android nhưng muốn có phần cứng, phần mềm tốt ít có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Chính nhờ mức giá cao nên Apple ít bị hạn chế về khả năng sáng tạo và cũng không bị giới hạn trong việc mang lại cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất. Và đó chính là thứ Microsoft cần: trải nghiệm tốt. Nếu thiết bị và hệ điều hành không tốt sẽ kéo theo việc sử dụng phần mềm không tốt, và bạn có thể nghĩ ra cảnh đang viết văn bản trong Word hay tạo bảng tính Excel mà máy đứng, giật, chậm thì sẽ bực mình đến mức nào. Khi đó, hầu hết người dùng phổ thông sẽ đổ lỗi cho Microsoft viết ứng dụng chưa ngon, trong khi nguyên nhân chính có thể không phải là như vậy. Với các máy tính bảng Android cao cấp thì điều này không phải là vấn đề, nhưng đáng tiếc, phần lớn thị trường tablet Android hiện nay chỉ là các máy tầm trung và thấp mà thôi.
Nói tóm lại, người dùng hiện nay đang được hưởng lợi nhiều nhất bởi vì ngoài iWork ra thì Office cũng đã có mặt trên iPad, một trong những dòng tablet phổ biến nhất thế giới. Có một số mặt Office vượt trội hơn nhiều so với iWork, cũng có những thứ iWork tốt hơn Office, nhưng dù sao đi nữa thì việc cạnh tranh sẽ được thúc đẩy hơn giữa Apple với Microsoft trong việc mang bộ ứng dụng văn phòng của mình đến với người tiêu dùng. Về phần Microsoft, hãng sẽ phải cố gắng hơn nữa để đảm bảo rằng phần mềm của mình sẽ tiếp tục được tin dùng trong kỉ nguyên di động hiện nay. Và iPad là công cụ để giúp hãng đạt được mục tiêu này chứ không phải là những thiết bị Android, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Rất có thể một bản Office được tối ưu hóa cho riêng tablet Android sẽ xuất hiện trong tương lai, nhưng từ đây đến đó dài hay ngắn thì vẫn chưa biết được. Chúng ta hãy chờ xem sao.