Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Cuộc chiến pháp lý Apple và Samsung: Google sẽ là trung tâm của vấn đề?

<untitled> 2.

Cuộc chiến bằng sáng chế của AppleSamsung có lẽ là cuộc đối đầu dai dẳng nhất trong giới công nghệ trong thời gian qua. Kết quả mỗi phiên tòa đều có khả năng thay đổi toàn bộ cảnh quan của nền công nghiệp điện thoại di động. Dù sao đi nữa, cả Apple và Samsung đều là các nhà sản xuất smartphone lớn và gặt hái được lơi nhuận khổng lồ từ ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề phần mềm, hầu như iOS của Apple và Android đến từ Google đang thống trị thế giới hệ điều hành trên smartphone.

Trong vấn đề phần mềm, Apple cáo buộc Samsung vi phạm 5 bằng sáng chế về phần mềm của họ. Samsung phản đối cáo buộc trên bằng lập luận rằng 4 trong số những tính năng trên thuộc về hệ điều hành Android của Google. Samsung tuyên bố rằng Google đã phát triển các tính năng trên cho Android trước khi Apple đệ trình bằng sáng chế.

Michael Carrier, giáo sư ngành luật tại đại học Rutger, bang New Jersey và cũng là chuyên gia trong vấn đề bằng sáng chế cho biết: "Google có vai trò trung tâm trong những diễn biến tương lai của vụ kiện này. Cả Apple và Google đều là 2 ông lớn trong lĩnh vực hệ điều hành di động và dĩ nhiên, Google cũng không thể không có liên quan tới cuộc chiến Apple - Samsung."

Phát ngôn viên của Google đã từ chối bình luận về nhận định nói trên của giáo sư Carrier.

Hiện tại, Apple đang yêu cầu Samsung phải bồi thường khoảng 2 tỷ đô la cho những thiệt hại của mình. Con số này gấp đôi so với mức bồi thường mà bồi thẩm đoàn đưa ra cho Apple hồi thời gian đầu của vụ kiện.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở các khoảng tiền. Một phán quyết của tòa án có lợi cho Apple có thể khiến Google buộc phải thay đổi hệ điều hành Android của mình. Thậm chí nếu đều đó không diễn ra, nhưng bất kể là Apple hay Samsung sẽ thua trong cuộc chiến này, thì người thua cuộc đều bị cấm bán các sản phẩm vi phạm. Nếu kịch bản Samsung thua cuộc diễn ra, các điện thoại chạy Android do Samsung sản xuất sẽ bị cấm bán. Điều này có liên quan trực tiếp tới cha đẻ của hệ điều hành Android là Google.

Vì vậy, nhằm giúp bảo vệ Samsung, các kỹ sư của Google dự kiến sẽ đứng ra để bác bỏ lập luận về vị phạm phần mềm của Apple. Andy Rubin, cựu lãnh đạo mảng kinh doanh điện thoại di động của Google, người giám sát sự phát triển của Android rất có thể sẽ là một nhân chứng trong những phiên tòa diễn ra trong thời gian tới. Hiện đang làm việc cho Google từ năm 2005 đến nay, nhưng điều thú vị ở đây là Rubin đã từng làm việc cho Apple từ năm 1989 đến 1992.

Trong phiên tòa đầu tiên diễn ra hồi năm 2012, Apple đã đưa ra quan điểm của mình để buộc tội Samsung rằng hãng này đã sao chép giao diện của iPhone và iPad. Lúc đó, một thành viên trong bồi thẩm đoàn đã đứng về phía Apple, và Samsung bị yêu cầu phải bồi thường cho Apple số tiền 930 triệu đô la để bồi thường thiệt hại. Dĩ nhiên, Samsung đã kháng án.

Mark Lemley, một chuyên gia luật học tại đại học Stanford và cũng là luật sư về quyền sở hữu trí tuệ cho biết: "Apple đã có một lợi thế ban đầu từ phán quyết của bồi thẩm đoàn trong phiên tòa đầu tiên. Lý do là họ có thể đưa chiếc điện thoại ra vào bảo "xem nó giống nhau chưa này". Tuy nhiên, luật sư Lamley cho rằng Google có thể không có liên quan đến vụ kiện Apple-Samsung.

Cho tới thời điểm hiện tại, Apple đang cáo buộc Samsung bị phạm bằng sáng chế cho công nghệ: phát hiện ra dữ liệu bên trong 1 tin nhắn và chuyển đổi chúng thành liên kết có thể bấm vào, tính năng đồng bộ dữ liệu ngầm, tìm kiếm phổ quát bằng trợ lý giọng nói ảo Siri, tính năng tự động điền thông tin bằng cách đưa ra các từ gợi ý khi người dùng gõ nội dung, và cuối cùng là tính năng "trượt để mở khóa".

Phía Samsung dĩ nhiên là phản đối cáo buộc trên đồng thời đặc biệt nhấn mạnh rằng, các tính năng trên đều là của Android.

Không chỉ Samsung, Apple cũng đã kiện các nhà sản xuất điện thoại Android khác như HTC, hãng di động đến từ Đài Loan. Tuy nhiên, do Google đã cung cấp miễn phí Android cho các nhà sản xuất điện thoại nên sẽ rất khó để Apple yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, mặc dù Google cũng đã phát triển điện thoại và máy tính bảng của riêng mình nhưng xét về doanh số, các sản phẩm của Google không được bán chạy như các đối tác của mình.

Hiện tại, Apple đang yêu cầu khoản bồi thường thiệt hại 40 đô la trên mỗi điện thoại đã vi phạm 5 tính năng do Apple nắm giữ bằng sáng chế. Apple cho biết con số bồi thường trên là hoàn toàn hợp lý vì số tiền có thể sẽ được Samsung chấp nhận nếu cả hai bên hòa giải ngoài tòa thành công theo lệnh của tòa án hồi tháng 8 năm 2011.

Một lập luận khác được phía Apple đưa ra chính là Samsung đã làm thiệt hại một khoản lợi nhuận của Apple thông qua việc sao chép công nghệ của Apple nhằm giảm giá bán các mẫu điện thoại của mình.

Phía Samsung đã phản đối lập luận trên và tuyên bố Apple đã bị phạm 2 bằng sáng chế của họ. Trong một động thái nhằm kết thúc cuộc chiến pháp lý theo hướng có lợi cho cả 2, Samsung đã yêu cầu một khoảng bồi thường chỉ 7 triệu đô la, một con số khá nhỏ so với tầm vóc của cuộc tranh chấp.

Bằng cách yêu cầu một khoảng bồi thường khá nhỏ, Samsung đang cố gắng khẳng định luận điểm của mình rằng: bằng sáng chế trên điện thoại di động không có giá trị nhiều như những gì Apple yêu cầu bồi thường. Liệu đây có phải là một nước đi khôn ngoan của Samsung. Chúng ta hãy cùng chờ đợi trong thời gian tới.

Theo WSJ