Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

8 tính năng trên Android 4.4 KitKat có thể bạn chưa biết

Android_Kit_Kat.

Android 4.4 đã xuất hiện được một thời gian và nó cũng đã được cài sẵn lên nhiều thiết bị mới bán ra thị trường. Song song đó, nhiều công ty cũng bắt đầu nâng cấp sản phẩm cũ của mình lên phiên bản hệ điều hành, còn anh em Tinh tế thì có thêm màn flash ROM để xài KitKat ngay cả trên những thiết bị không được hỗ trợ chính thức. Hôm nay mình xin chia sẻ với anh em một vài tính năng "bí ẩn" mà có thể anh em chưa biết trên Android 4.4, hi vọng nó sẽ giúp việc sử dụng máy của các bạn được ngon lành hơn.

Nhận biết và theo dõi bước đi

Android 4.4 KitKat hỗ trợ các cảm biến chuyển động tốt hơn so với những phiên bản trước đó và nó cho phép ứng dụng bên thứ ba theo dõi bước đi của người dùng mà không hao tốn nhiều năng lượng. Bạn có thể thử cái những ứng dụng như Moves hoặc Runtastic Pedometer để xài tính năng này. Sau khi cài và kích hoạt, các app này sẽ tự động theo dõi tình hình đi lại của bạn, bước đi bao nhiêu, bước chạy bao nhiêu, để rồi tạo ra một báo cáo tổng hợp cho bạn biết về tình hình tập luyện của mình trong một khoảng thời gian nào đó. Bản thân Android KitKat cũng sẽ ghi nhận thông tin này và hiển thị cho bạn xem mỗi cuối tháng thông qua Google Now, lúc đó bạn sẽ biết được trong cả tháng rồi mình đã đi bộ được bao xa.

Suc_khoe.

Process Stats

"Process Stats" (ProcsStats) nằm trong phần cấu hình dành cho lập trình viên trên Android 4.4 KitKat. Khi truy cập vào Settings > Developer options > Process Stats, chúng ta sẽ có khả năng theo dõi những ứng dụng và dịch vụ nào đang hoạt động, tần suất chạy của chúng là bao lâu, dung lượng RAM cao nhất và dung lượng RAM trung bình mà chúng sử dụng là bao nhiêu. Khi thấy một app nào đó chiếm nhiều RAM quá, bạn có thể tắt nó một cách thủ công bằng cách chọn vào app cần đóng, nhấn nút “Force stop”.

ProcStats.

Bạn cũng có thể chọn vào nút menu > Stats type để xem thống kê về mức RAM tiêu thụ của các phần mềm chạy ngầm (background), chạy “nổi” (foreground) hoặc chạy dưới dạng tiến trình trong bộ nhớ đệm (cache).

Ghi chú: Nếu chưa thấy Developer Options, bạn vào Settings > About phone/tablet > chạm vào dòng Build Number từ 5 đến 7 lần liên tục.

Ba chế độ định vị

Với các bản Android trước đây, việc xác định vị trí địa lý của bạn chỉ dựa vào GPS hoặc 3G/2G, và điều này làm tiêu hao rất nhiều năng lượng, kéo theo đó là thời lượng pin bị giảm sút mạnh mẽ. Lên tới Android 4.4, chúng ta có đến ba chế độ để định vị, và bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cái phù hợp với mình bằng cách vào Settings > Location > Mode. Những chế độ này bao gồm:
  • High accuracy: kết hợp cả GPS, Wi-Fi lẫn mạng di động để cho ra kết quả chính xác nhất có thể
  • Battery saving: sử dụng Wi-Fi và mạng di động để định vị, khi đó sẽ tiết kiệm pin hơn nhưng kết quả không chính xác bằng
  • Device only: chỉ sử dụng mỗi GPS để xác định vị trí.
Location.

Hiện lại thanh trạng thái ở chế độ Immersive

Immersive là một trong số các tính năng mới của Android 4.4. Nếu một ứng dụng nào đó hỗ trợ chế độ này, thanh trạng thái và thanh điều hướng ảo (nếu có) sẽ biến mất để app có không gian hiển thị nhiều nhất có thể. Bạn có thể tưởng tượng nó giống như chế độ full-screen mà một số phần mềm Android từng áp dụng thủ công vậy. Một khi đang chạy Immersive, nếu muốn thanh trạng thái/notification xuất hiện trở lại, bạn chỉ việc kéo ngón tay từ cạnh trên màn hình xuống là xong.

Tắt hiệu ứng để tăng tốc độ

Với những bạn ghét hiệu ứng chuyển cảnh, hoặc nếu bạn cảm thấy máy mình cứ chầm chậm thì bạn nên thử tắt hiệu ứng đi. Android 4.4 cho phép chúng ta làm điều này bằng cách vào Settings > Developer Options > Advanced > Animation. Tại đây bạn có thể bỏ chọn tất cả các hiệu ứng chỉ bằng việc bỏ chọn dòng Animation đi. Ngoài ra, bạn cũng có thể chỉ bỏ hiệu ứng của các cửa sổ (Windows animation scale) hoặc khi chuyển giữa các giao diện (Transition animation scale) mà thôi.

Animation.

Trình chọn tập tin mới

Đây là một trong những cải tiến tốt nhất của Android 4.4 KitKat bởi nó cho phép chúng ta chọn file rất dễ dàng và truy cập được đến với nhiều khu vực lưu trữ khác nhau. Bạn hãy thử chạy một ứng dụng nào đó cần mở file, ví dụ như khi soạn thư bằng Gmail, chọn nút menu rồi nhấn vào “Attach file”. Trong giao diện mở ra (tên gọi chính xác là “File Picker” nhé), chúng ta có thể chọn tập tin của mình từ các ổ Google Drive, duyệt riêng tập tin hình ảnh/video/âm thanh đang lưu trên thiết bị, mở file đã download. Chưa hết, chúng ta còn có một mục “Internal Storage” để bạn thoải mái chọn bất kì tập tin nào đang lưu trong hệ thống. Bạn cũng được phép chọn các ứng dụng tích hợp sẵn hoặc app bên thứ ba để duyệt tập tin nữa.

File_picker.

Trong các bản Android trước đây, nếu muốn dùng một File Picker mạnh mẽ như trên, bạn phải cài thêm app từ bên ngoài, còn bây giờ thì nó đã có sẵn trong máy luôn. Thật là tuyệt vời! Lưu ý rằng nếu bạn không thể duyệt file chứa trong bộ nhớ trong hoặc thẻ SD thì hãy chọn vào nút menu của File Picker, tích vào ô “Display advanced devices” nhé.

Ứng dụng Gallery đâu rồi?

Trên một số thiết bị mới (ví dụ như Sony Z Ultra, LG G Pad 8.3, HTC One M8 phiên bản Google Edition, hoặc như trên Nexus 5), Google đã không còn tích hợp sẵn trình xem ảnh mặc định của Android (Gallery) mà thay vào đó là app Photos thuộc Google+. Đây là nỗ lực mới nhất của Google nhằm tích hợp chặt chẽ hơn mạng xã hội của mình vào Android, tương tự như việc hãng thay thế app SMS của hệ thống bằng Hangouts. Google+ Photos có giao diện sáng sủa hơn app mặc định, ngoài việc hỗ trợ xem ảnh thì nó còn cho phép thực hiện sao lưu ảnh tự động, tự tinh chỉnh ảnh thông minh, tạo video Highlights với các nội dung nổi bật.

Lưu ý: với các anh em thích nghịch ROM, nếu anh em dùng máy bình thường nhưng flash ROM Google Edition thì cũng bị mất Gallery mặc định và thay vào đó là Photos của Google+ luôn.

Photo.

Quay video màn hình

Quay video màn hình (hay còn gọi là screencast) là một trong những tính năng mới trên Android 4.4 Kitkat, tính năng này rất hữu ích nếu như bạn muốn trình diễn một tính năng hay giới thiệu phần mềm nào đó. Với Android 4.3 trở về trước thì muốn quay video màn hình chúng ta phải cài thêm phần mềm khác từ bên thứ 3. Tuy nhiên, mặc định thì Android 4.4 không được kích hoạt sẵn tính năng này, mà Google chỉ cung cấp API và các lập trình viên có thể tự phát triển công cụ riêng. Hiện tại các rom cook Android 4.4 như CyanogenMod hay OmniROM đều bắt đầu được trang bị screencast.

REcord.

Trong trường hợp bạn không dùng các ROM trên thì vẫn có thể xài những phần mềm được cung cấp trên Google Play để có được tính năng tương tự, ví dụ như Screenshot Ultimate Pro, KitKat Screen Capture, Rec (screen recorder). Tuy nhiên, các app này đòi hỏi bạn phải có quyền root để quay video đấy nhé.