Lý do vì sao nên cẩn thận khi đi sau rơ moóc, xe tải và chia sẻ cách
vượt xe thân dài an toàn
Nếu hỏi kinh nghiệm lái xe đường trường của các bác tài lâu năm thì một trong những điều chúng ta được lưu ý là tránh đi quá gần đuôi các loại xe tải, rơ-moóc. Điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi vì theo bài thử nghiệm va chạm xe con vào đuôi các loại xe trên được cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (IIHS) tổ chức thì kết quả đều rất bi quan cho hành khách bên trong.
Về chi tiết bài thử nghiệm, IIHS đã sử dụng chiếc Chevrolet Malibu 2010, một trong những xe đạt danh hiệu an toàn nhất do cơ quan này công bố(IIHS TOP SAFETY PICK), và cho đâm từ phía sau của những chiếc rơ-moóc được thử nghiệm ở tốc độ 56 km/h nhưng lần lượt với 3 bề mặt tiếp xúc khác nhau: hoàn toàn 100%, phân nửa 50% và 30%.
Kết quả thử nghiệm cho thấy hành khách trong xe an toàn ở bài đâm với bề mặt tiếp xúc 100%. Trừ trường hợp cá biệt trên xe rơ-moóc của Hyundai do thanh bảo vệ gầm không đủ lực để cản chiếc Malibu chui vào gầm dẫn đến tình huống xấu nhất khoang xe bị bẹp dúm, đe dọa đến tính mạng người ngồi trong. Ở bài đâm với bề mặt tiếp xúc lần lượt là 50% và 30% thì kết quả càng lúc càng xấu. Duy chỉ có mẫu rơ-moóc hãng Manac với thanh bảo vệ gầm cải tiến rộng hơn về 2 bên 10 inch là có khả năng vượt qua tất cả bài kiểm tra.
Điều đó có thể lý giải là vì khi va chạm xảy ra từ phía sau các xe rơ-moóc hay xe tải thì xe con có xu hướng lọt thỏm vào gầm. Khác với va đập trực diện, bề mặt tiếp tiếp xúc lúc này là cột chữ A cũng như phần trên khoang hành khách chứ không phải là ở đầu xe. Những phần đó lại không có tác dụng phân tán lực va đập như ở khoang động cơ hay kích nổ hệ thống túi khí. Chính vì thế, hậu quả là túi khí sẽ không bung, dây đai an toàn cũng giảm hiệu quả, còn hành khách ngồi bên trong sẽ có nguy cơ gặp chấn thương phần đầu, cổ và cơ hội sống sót gần như bằng 0.
IIHS cũng chỉ ra rằng phân nửa các vụ va chạm phía sau đều nằm trong trường hợp bề mặt tiếp xúc là 50% và nhấn mạnh rằng thanh bảo vệ gầm xe tải hay rơ-moóc có tác dụng rất tích cực trong việc hạn chế xe con chui vào gầm khi có va chạm từ phía sau. Tuy nhiên dựa trên kết quả cuộc thử nghiệm trên và các tiêu chuẩn hiện hành thì thanh bảo vệ gầm trên đa số các mẫu xe rơ-moóc vẫn chưa thực hiện tốt vai trò của mình. Vì vậy, IIHS cũng đề nghị các nhà sản xuất gia cố thêm hoặc cải tiến các thanh bảo vệ gầm như trên mẫu rơ-moóc Manac để giảm thiểu các nguy cơ tử vong từ va chạm chía sau.
Bên trái là mẫu thanh bảo vệ gầm phổ biến với khoảng cách 2 thanh gần về phía trung tâm. Bên phải là thanh bảo vệ gầm cải tiến trên rơ-moóc Manac, với việc mở rộng 2 thanh dọc về 2 bên 10 inch và sử dụng thép gia cố. Một cải tiến nhỏ nhưng hiệu quả lớn.
Ở Việt Nam, chúng ta không có nhiều hy vọng các nhà sản xuất sẽ cải tiến tính năng an toàn này. Do đó, chúng ta chỉ có thể giúp mình bằng cách nắm những nguyên tắc lái xe an toàn để đề phòng những rủi ro và bảo vệ tính mạng mình cũng như gia đình. Sau đây mình sẽ chia sẻ 3 bước để vượt xe thân dài an toàn.
Bước 1: Luôn giữ khoảng cách an toàn với xe trước theo nguyên tắc 2 Giây. Có thể nhẩm như thế này: 22m cho tốc độ 40Km/h, 33 m cho 60Km/h, 44m cho 80Km/h). Lưu ý, khoảng cách này chỉ dùng khi thời tiết và mặt đường tốt. Trong điều kiện tầm nhìn hạn chế như trời mưa lớn nên chủ động giảm tốc độ, bật đèn đờ-mi hay sương mù để các xe khác có thể định vị khoảng cách với xe mình. Không nên nhìn đi hướng khác quá 2 giây, điều này là để hạn chế hầu hết các vụ “rúc đuôi” và “dồn toa”.
Bước 2: Trước khi vượt các loại xe thân dài, nên chủ động ra hiệu xin đường bằng cách bật đèn xi-nhan trái, đá đèn pha, chỉ sử dụng còi xe khi cần thiết. Những đường có dải phân cách thì chúng ta phải chờ xe phía trước tấp sang lane bên phải để nhường đường, tránh vượt phải. Những đường không có dải phân cách, sau khi ra hiệu xin đường chúng ta nên dành khoảng 5-10 giây đánh giá tình huống, xác định khoảng cách với xe ngược chiều cũng như để xem bác tài đi trước có ra hiệu tình huống khẩn cấp nào không. Thỉnh thoảng mình gặp trường hợp xe đi trước bật xi-nhan trái nhầm báo mình không nên vượt vì một lý do nào đó liên quan đến sự an toàn mà mình không quan sát thấy. Mình đánh giá cao những bác tài này vì họ có ý thức giao thông cao và lối hành xử đẹp.
Bước 3: Khi vượt để xe đủ độ vọt cần thiết nên hạ về 1 hoặc 2 số đối với xe số sàn, trên những xe số tự động có nút O/D thì nhấn nút này sao cho bảng đồng hồ hiện lên chữ OD OFF như hình trên để hộp số xe tự lùi về số, còn những xe số tự động có chế độ chuyển số +/- chúng ta có thể tự lùi số bằng lẫy hay ngay trên vô lăng. Một số xe số tự động không có chế độ O/D, cũng không có chế độ chuyển số +/- như Yaris, Civic 1.8,...chúng ta có thể gạt về số 3 hoặc 2(ở chế độ này xe sẽ chỉ sử dụng tối đa đến cấp số 3, hoặc số 2) tùy tốc độ để vượt cho an toàn. Lưu ý không vượt ở những góc cua hẹp, khi tầm nhìn hạn chế và những đoạn đèo nguy hiểm.