Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Tìm thấy bộ xương có niên đại 12.000 năm cung cấp giả thuyết mới về nguồn gốc người Châu Mỹ bản địa

10346689_1515151598708022_117564438_n.

Theo tin từ tờ Wall Street Journal thì mới đây, một bộ xương người có niên đại cổ nhất thế giới từ trước đến nay đã được các nhà khoa học tìm thấy trong một hang động ngập nước tại vùng Yacatan Peninsula, Mexico. Bộ xương gần như vẫn còn hoàn chỉnh sau 12.000 năm tồn tại với cấu trúc duy truyền vẫn được bảo tồn và theo đánh giá ban đầu thì đây là một xương của một thiếu nữ trẻ tuổi qua đời một mình trong hang động tối tăm. Phát hiện trên cho phép các nhà khoa học có thể tìm hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa những người định cư sớm nhất tại Châu Mỹ và những người Mỹ hiện đại trong thời gian sau này.

Qua phân tích bộ xương thiếu nữ có niên đại 12.000 năm, các nhà khoa học đã phát hiện ra một gen di truyền đặc biệt cho thấy những người săn bắt hái lượm đầu tiên đã vượt qua eo biển Bering từ vùng đông bắc Châu Á (hiện nay thuộc Nga) để đến một vùng lãnh thổ mang tên Beringia (hiện nay đã ngập nước). Nhóm người này chính là một phần của những cư dân đầu tiên tại Châu Mỹ trước đây.

Dựa trên phân tích DNA từ răng của bộ xương, nhà nhân chủng học Deborah Bolnick đến từ Đại học Texas đã kết luận rằng: "Đây chính là tổ tiên của những người trên khắp Châu Mỹ ngày nay."

Nếu kết luận trên được các nghiên cứu tiếp theo xác nhận, bộ xương của thiếu nữ niên đại 12000 năm đã góp phần chấm dứt được tranh cãi dai dẳng của các nhà khoa học về nguồn gốc của những người định cư tại Tân thế giới và đặc điểm nhân dạng truyền lại cho con cháu họ cho đến ngày nay. Trước đây, một số giả thuyết cho rằng những người định cư sớm nhất có thể đi từ Nam Thái Bình Dương bằng thuyền hoặc băng qua Đại Tây Dương từ Tây Ban Nha.

James Chatters, chủ công ty Applied Paleoscience đồng thời là một nhà tư vấn khảo cổ học, lãnh đạo dự án nghiên cứu đã chia sẻ: "Đây là một bước tiến lớn để giải quyết cho câu hỏi gây tranh cãi này."

Tuy nhiên, có vẻ phát hiện trên vẫn chưa đủ sức để làm hạ nhiệt các tranh luận từ trước đến nay. Nhà khảo cổ học Dennis Stanford, chủ nhiệm chương trình Paleo-Indian tại viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Smithsonian đã khẳng định rằng nhóm người định cư đầu tiên được xác định trong nghiên cứu lần này chỉ là những người ở miền Tây Bắc Mỹ. Standford cho biết thêm rằng những người định cư tại các vùng khác của châu Mỹ vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Tiến sĩ Standford cho biết: "Có một điều gì đó hoàn toàn khác đã xảy ra trên bờ biển phía Đông mà chúng ta vẫn chưa phát hiện được những bằng chứng cụ thể."

[​IMG]

Như một mẫu vật phục vụ công tác nghiên cứu, bộ xương của cô gái ở độ tuổi 15 -16 mang mã số là HN5/48. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đặt tên cho cô là Naia, tên nữ thần nước trong thần thoại Hy Lạp.

Về ngoại hình, Naia không giống với những thổ dân châu Mỹ thời đó. Thay vào đó, gương mặt của cô tương tự như những người Châu Phi hiện đại, người Úc bản địa hoặc đến từ Thái Bình Dương. Sự khác biệt về đặc điểm nhân dạng đã dấy lên một giả thuyết rằng có thể những người Mỹ tiền sử đầu tiên và các thổ dân châu Mỹ giai đoạn sau này không có quan hệ họ hàng.

Dù vậy, sau khi bộ DNA của bộ xương được kiểm tra chéo một cách độc lập bởi 3 phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng cô chính là tổ tiên của nhiều người Mỹ bản địa ngày nay. Tất cả đều có chung một đặc điểm di truyền đặc trưng gọi là nhóm haplogroup D1. Đặc điểm này được tìm thấy chỉ ở những người bản địa ngày nay tại châu Mỹ.

Nhà di truyền học Dennis H. O'Rourke đến từ Đại học Utah cho biết rằng: "Đây là một phát hiện quan trọng và hết sức ý nghĩa vì chúng ta có rất ít thông tin di truyền từ những niên đại cổ nhất tại Châu Mỹ."

Qua phân tích bộ xương, các nhà nghiên cứu còn nhận thấy rằng, cô gái có thể đã qua đời vào mùa thu, nguyên nhân tử vong là do chết khát trong hang động tối tăm. Hiện tại, hang động đã bị nhấn chìm ở độ sâu 43 mét dưới mặt nước do sự gia tăng của mực nước biển trong nhiều năm.

Hang động được các thợ lặn phát hiện vào năm 2007 và đặt tên là Hoyo Negro (Lỗ đen). Ngoài bộ xương cô gái, thợ lặn còn phát hiện trong hang di tích của hổ răng kiếm, bộ xương của những con lười khổng lồ và các sinh vật đã tuyệt chủng từng sinh sống trong Thế Canh Tân Pleistocen. Khi được phát hiện, hộp sọ của cô gái đã lìa ra và bị kẹt tại một vị trí trên xương cánh tay.


Theo WSJ