Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

[The Big Picture] Một năm trên sao Hoả của tàu tự hành Curiosity

Curiosity

Hôm ngày 05/08/2013, NASA đã kỷ niệm một năm ngày con tàu tự hành khám phá sao Hoả Curiosity của họ hạ cánh an toàn xuống hành tinh đỏ. Kể từ khi bắt đầu hoạt động trên sao Hoả, Curiosity đã có những khám phá quan trọng cho thấy sự tồn tại của các điều kiện thuận lợi cho sự sống của vi khuẩn cách hàng tỉ năm về trước, bao gồm cả dấu tích của một lòng suối cổ đại. Curiosity cũng thực hiện các đo đạc quan trọng về mức độ phóng xạ nguy hiểm, giúp các kỹ sư thiết kế chuẩn bị cho những sứ mệnh đưa con người lên sao Hoả. Về các con số: Curiosity đã gửi về Trái đất hơn 190 Gb dữ liệu, hơn 72.000 tấm ảnh, và phóng hơn 75.000 tia laser để thẩm tra các đối tượng mục tiêu. Hiện tại thì Curiosity đang trên đường xuống chân núi Mount Sharp, nơi nó sẽ nghiên cứu lớp thấp hơn của ngọn núi cao hơn 5000m so với đáy miệng núi lửa Gale.

[IMG]
Một bức ảnh chân dung tự chụp của tàu tự hành Curiosity, ghép từ hàng chục bức ảnh có độ phơi sáng khác nhau do thiết bị Mars Hand Lens Imager (MAHLI) của Curiosity chụp, vào ngày thứ 177 trên sao Hoả, 03/02/2013. Lúc này tàu tự hành đang ở một mảnh đất của khu đất nhô lên bằng phẳng gọi là "John Klein", vốn được chọn là nơi để thực hiện mũi khoan đầu tiên của Curiosity.

[IMG]
Chuẩn bị cho một đợt thử nghiệm của tàu tự hành khám phá sao Hoả Mars Science Laboratory, Curiosity. Đợt thử nghiệm này diễn ra trong tháng 03/2011 ở trong căn phòng mô phỏng môi trường không gian đường kính 7,6m được thiết kế để cho tàu Curiosity vận hành trong điều kiện môi trường giống như mà nơi nó sẽ làm việc trên bề mặt sao Hoả. Trong ảnh, một kỹ thuật viên đang cầm một cây gậy để lập bản đồ cường độ ánh sáng mặt trời mô phỏng tại các vị trí khác nhau bên trong căn phòng, ngay trước khi bắt đầu cuộc thử nghiệm. Căn phòng mô phỏng môi trường không gian này được đặt ở Phòng thí nghiệp động cơ đẩy phản lực (JPL) của NASA, Pasadena, California.

[IMG]
Một tên lửa United Launch Alliance Atlas V mang tàu tự hành khám phá sao Hoả Curiosity rời khỏi bệ phóng Launch Complex 41 ở Căn cứ không quân Cape Canaveral, Florida, 26/11/2011.

[IMG]
Một tàu thăm dò quỹ đạo được NASA gửi lên sao Hoả trước đó, Mars Reconnaissance Orbiter (MRO), nhìn xuống và bắt được khoảnh khắc thành viên mới nhất của độ robot tự hành khám phá sao Hoả của NASA khi nó đang bung dù xuống bề mặt sao Hoả, 05/08/2012. Ở góc trái bên trên, bán có thể thấy 2 đốm trắng, một cái là cái dù, cái còn lại là tàu vũ trị và phần vỏ bảo vệ của nó.

[IMG]
Người chỉ huy chuyến bay của tàu tự hành Curiosity, Bobak Ferdowsi, người để một kiểu tóc khác nhau cho mỗi sứ mệnh, làm việc bên trong Bộ phận điều hành các chuyến bay không gian (Spaceflight Operations Facility) để giám sát tàu tự hành khám phá sao Hoả của NASA Curiosity ở JPL, Pasadena, California, 05/08/2012.

[IMG]
Ảnh chụp độ phân giải cao cho thấy tấm chắn nhiệt của tàu tự hành Curiosity trong lúc nó đang hạ cánh xuống bề mặt sao Hoả, 05/08/2012. Tấm ảnh này được chụp bởi thiết bị chụp ảnh hạ cánh xuống sao Hoả (Mars Descent Imager), hay còn được gọi là MARDI và cho thấy tấm chắn nhiệt có đường kính 4,5m khi nó đang rơi xuống cách 16m so với tàu vũ trụ. Các miếng màu trắng là mục tiêu để MARDI xác định và chụp ảnh.

[IMG]
Một bức ảnh được NASA công bố 06/08/2012, chụp bởi tàu Curiosity cho thấy ngọn núi Mount Sharp, mục tiêu khoa học chính của nó. Phía tiền cảnh là cái bóng của Curiosity, còn dải mờ xa xa là các đụn cát. Trồi lên ở giữa là ngọn núi Mount Sharp, cao 5,44km. Bức ảnh này đã được chỉnh sửa để loại bỏ hình dạng cong do chụp bằng ống kính mắt cá.

[IMG]
Vị trí hạ cánh của tàu tự hành mới nhất của NASA, chụp ngày 17/08/2012. Vị trí va chạm lúc hạ cánh (trái), vỏ bảo vệ và dù (dưới) và tàu Curiosity (phải). Tấm ảnh này được chụp bởi thiết bị HiRISE trên tàu thăm dò sao Hoả Mars Reconnaissance Orbiter.

[IMG]
Trên sao Hoả, tàu Curiosity tự chụp ảnh của chính nó - bức ảnh này cho thấy thiết bị Alpha Particle X-Ray Spectrometer (APXS) cùng với khung cảnh sao Hoả ở phía sau. Ảnh này được chụp bởi hệ thống Mast Camera của Curiosity vào ngày thứ 32 trên sao Hoả, 07/09/2012. APXS có thể được nhìn thấy ở giữa bức ảnh. Bức ảnh này cho các nhà nghiên cứu biết được rằng thiết bị APXS không bị đóng bụi khi Curiosity hạ cánh xuống sao Hoả.

[IMG]
Ảnh ghép từ hệ thống Mast Camera (Mastcam) trên tàu tự hành khám phá sao Hoả Curiosity của NASA cho thấy ngọn núi Mount Sharp trong một bức ảnh đã chỉnh cân bằng trắng để bầu trời trông có màu xanh và bề mặt đất trong như dưới điều kiện giống Trái đất. Cân bằng trắng giúp cho các nhà khoa học nhận biết chất liệu đá dựa trên kinh nghiệm của họ khi quan sát đá trên Trái đất. Mount Sharp, hay còn gọi là Aeolis Mons, là một ngọn núi nằm giữa miệng núi lửa Gale của sao Hoả, cao hơn 5.400m so với đáy miệng núi lửa, nơi Curiosity đã làm việc từ khi nó hạ cánh xuống sao Hoả và tháng 08/2012.

[IMG]
Cánh tay của Curiosity đang làm việc, ảnh chụp bởi hệ thống Hazcam ở phía trước bên trái của Curiosity, vào ngày thứ 322 trên sao Hoả, 03/07/2013.

[IMG]
Một bức ảnh động được chụp trước và sau khi Curiosity thực hiện một mũi khoan nhỏ thử nghiệm trên một tảng đá sao Hoả. Bức ảnh nào được chụp bởi hệ thống Mast Camera của Curiosity. Đường kính của lỗ khoan là khoảng 1,6cm. Bức ảnh trước khi khoan được chụp vào ngày thứ 178 trên sao Hoả của sứ mệnh Curiosity, 04/02/2013.

[IMG]
Một vài người nhìn vào màn hình "Mars Window", một màn chiếu các hình ảnh chụp bởi tàu tự hành khám phá sao Hoả của NASA tại buổi triển lãm Visions of the Universe ở Bảo tàng hải dương học quốc gia, Greenwich, London, 05/06/2013.

[IMG]
Bức ảnh động ghép từ 7 tấm ảnh do hệ thống máy ảnh HiRISE trên tàu thăm dò Mars Reconnaissance Orbiter cho thấy sự tác động của gió khiến cho chiếc dù hạ cánh cảu tàu vũ trụ nghiên cứu sao Hoả khi nó nằm trên bề mặt của hành tinh đỏ hàng tháng trời sau khi được dùng để hạ cánh tàu Curiosity. Phần cánh dù là đốm trắng nằm ở phía dưới tấm ảnh, các dây nối với còn dính liền với vỏ bảo vệ của tàu vũ trụ, là đốm trắng nằm phía trên tấm ảnh. Độ dài của dù, bao gồm cả dây, là khoảng 50m.

[IMG]
Tấm ảnh đôi cho thấy dấu xúc khi tàu Curiosity lấy một ít mẫu đất sao Hoả (trái) và cái gàu xúc đang chứa đất. Mẫu đất đầu tiên được lấy từ khu vực "Rocknest" gồm bụi và cát, vào ngày thứ 61 trên sao Hoả, 07/10/2012.

[IMG]
Hệ thống Chemistry and Camera (ChemCam) trên tàu Curiosity sử dụng tia laser để kiểm tra các điểm từ mặt này sang mặt kia trên một mẫu đất, để lại những dấu vết trong bức ảnh đôi so sánh trước và sau. Hai bức ảnh này được chụp bởi máy ảnh ChemCam Remote Micro-Imager từ khoảng cách chừng 3,5m. Đường kính của vòng tròn mà chúng ta thấy được là khoảng 7,9cm. Các nhà nghiên cứu dùng ChemCam để kiểm tra mẫu đất, được đặt tên là "Beechey", vào ngày thứ 19 trên sao Hoả của tàu Curiosity, 25/08/2012.

[IMG]
Một phần của bức ảnh panorama chụp bởi hệ thống Mast Camera trên tàu tự hành Curiosity khi nó đang làm việc ở khu vực gọi là Rocknest vào tháng 10 và 11/2012.

[IMG]
Curiosity chụp bức ảnh vào ban đêm khi nó thực hiện mũi khoan ở Cumberland, nó chiếu sáng khu vực khoan bằng đèn LED. Ảnh này được chụp bởi hệ thống MastCam, vào ngày thứ 292 trên sao Hoả, 06/06/2013.

[IMG]
Ảnh chụp cận cảnh của một viên đá bởi máy ảnh ChemCam Remote Micro Imager vào ngày thứ 323 trên sao Hoả, 04/07/2013.

[IMG]
Bức ảnh từ máy ảnh Mars Hand Lens Imager trên tàu Curiosity cho thấy một vật thể màu sáng trên nền đất bên cạnh tàu ở khu Rocknest. Nó dài khoảng 1,3cm. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là rác từ các tàu vũ trụ, có thể đã bay vào bề mặt sao Hoả. Ảnh này được chụp vào ngày thứ 65 trong sứ mệnh khám phá sao Hoả của Curiosity, 11/10/2012.

[IMG]
Ảnh quốc kỳ Mỹ in trên thân tàu Curiosity chụp bởi máy ảnh Mars Hand Lens Imager (MAHLI), 19/09/2012. Lá cờ này là một trong 4 "logo di động" nằm trên cánh tay cân bằng di động của Curiosity.

[IMG]
Nhìn vào bầu trời của sao Hoả, Curiosity chụp một tấm ảnh cho thấy hai mặt trăng nhỏ của hành tinh này là Phobos (trái) và Deimos, vào ngày thứ 351 trên sao Hoả, 01/08/2013.

[IMG]
Trong bức ảnh này, tàu tự hành khám phá sao Hoả Curiosity của NASA là đốm nhỏ màu xanh nhạt ở góc phải. Ảnh được chụp bởi hệ thống máy ảnh HiRISE trên tàu thăm dò Mars Reconnaissance Orbiter. Đường đi của Curiosity có thể được nhìn thấy từ vị trí hạ cánh, "Bradbury Landing", ở góc trái bên trên tấm ảnh. HiRISE chụp tấm ảnh này vào ngày 27/06/2013, khi Curiosity đang ở tại một khu vực gọi là "Shaler" ở vùng Glenelg, thuộc miệng núi lửa Gale. Sau đó Curiosity sẽ rời khỏi Glenelg và đi về phía Tây Nam.

[IMG]
Phần sườn núi thấp của ngọn núi Mount Sharp xuất hiện ở bên trên tấm ảnh chụp bởi hệ thống Navigation Camera (Navcam) trên Curiosity, tại khúc cuối của chặng hành trình dài 41m vào ngày thứ 329 trên sao Hoả, 09/07/2013.

[IMG]
Sử dụng một quy trình lấy nét tích hợp sẵn, hệ thống Mars Hand Lens Imager (MAHLI) trên Curiosity tạo ra được bức ảnh cận cảnh bề mặt đá sao Hoả bằng cách ghép từ 2 đến 8 tấm ảnh được chụp trước đó, 04/07/2013.

[IMG]
Vào ngày thứ 349 trên sao Hoả, 30/07/2013, Curiosity nhìn về phía sau, chụp lại con đường mà nó đã đi qua trên bề mặt của sao Hoả.

Xem thêm:

5 câu trả lời thú vị của NASA về sứ mạng Curiosity và sao Hỏa
Các bài viết khác về Curiosity