Chất kết dính chứa hạt nano giúp khâu vết thương trong và ngoài cơ thể
Trong những nổ lực nhằm phát triển các phương pháp mới để khâu vết thương bên trong cơ thể sau phẫu thuật, các nhà khoa học đã tạo ra nhiều loại băng dính/chất kết dính lấy ý tưởng từ loài nhím, lông chim, con trai hay ốc sên. Tuy nhiên, hôm nay các nhà nghiên cứu tại Pháp đã chọn một phương pháp tiếp cận khác không phụ thuộc vào thiên nhiên, cụ thể là họ đã khâu và phục hồi thành công các cơ quan nội tạng bị tổn thường bằng một dung dịch kết dính chứa các hạt nano silic và sắt oxit.
Chất kết dính này được phát triển bởi một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý kiêm phát minh kỳ cựu người Pháp - Ludwik Leibler đến từ phòng thí nghiệm vật liệu mềm và hóa học (MMC) và Didier Letourneur đến từ phòng thí nghiệm nghiên cứu mạch máu (LVTS) thuộc trường ESPCI ParisTech. Nó bao gồm một dung dịch có nước trong đó các hạt silic dioxit và oxit sắt nổi huyền phù.
Thử nghiệm trên một vết rạch trên một cơ quan nội tạng, đầu tiên dung dịch được nhỏ lên 2 rìa của vết rạch bằng cọ hoặc ống pipet. Sau đó 2 rìa vết rạch được ép tạm thời vào nhau. Các hạt nano sẽ liên kết với mạng lưới phân tử của mô và giữa các hạt với nhau. Quy trình này mất chỉ vài giây và kết quả là sự hình thành của vô số kết nối giữa 2 bề mặt. Khi vết thương đã "khâu" bằng dung dịch được phục hồi tự nhiên, các hạt nano được cơ thể hấp thụ mà không gây nguy hại.
Trong các thử nghiệm trên chuột, dung dịch đã được sử dụng để đóng thành công các vết thương sâu trên gan. Các nhà nghiên cứu đã thử dùng 2 phương pháp là nhỏ trực tiếp dung dịch vào 2 rìa vết thương và phương pháp dùng một tấm phim mỏng phủ chất kết dính dán lên một rìa của vết thương. Trong cả 2 trường hợp, cơ quan này đều có thể phục hồi chức năng bình thường và các con chuột thí nghiệm vẫn sống sót.
Các cơ quan như gan, phổi và lá lách thường rất khó để vá bằng chỉ phẫu thuật bởi các mô mỏng có xu hướng bị xé toạc khi bị kéo bởi kim và chỉ. Thêm vào đó, tính đến trước nghiên cứu trên thì vẫn chưa có loại băng dính/chất kết dính nào vừa đủ độ khỏe để giữ chặt các mô ướt, vừa không gây độc hại.
Ngoài thử nghiệm với vết thương trên nội tạng, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng dung dịch để đóng các vết thương bên ngoài trên da động vật. Kết quả thu được tương tự mà không gây viêm và để lại rất ít sẹo. Họ cũng đã trình diễn khả năng sử dụng chất kết dính để gắn các thiết bị y tế lên cơ quan và mô bằng việc dán một bộ khung bằng polymer lên quả tim đang đập của một con chuột.
Một bài báo về nghiên cứu đã vừa được đăng tải trên tạp chí Angewandte Chemie.
Xem thêm: