MIT nhân bản vô tính thành công tế bào gốc toàn năng từ tế bào của
người trưởng thành
Mới đây, các nhà khoa học người Hàn Quốc tại học viện nghiên cứu công nghệ tế bào trực thuộc MIT đã đề xuất kỹ thuật nhân bản vô tính SCNT tế bào gốc của người trưởng thành mà không can thiệp vào hoạt động hình thành phôi tự nhiên của con người. Kết quả thu được là các tế bào gốc toàn năng có mức độ cá nhân hóa cao và có khả năng tự biệt hóa nhằm sử dụng để điều trị các bệnh về tim mạch hoặc thậm chí là mù lòa. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cho biết kỹ thuật trên còn có thể nhân bản được một người trưởng thành.
Quá trình thực hiện được gọi là nhân bản trị liệu. Đây là kỹ thuật cho phép sản xuất ra được những tế bào phôi di truyền giống hệt với phôi nguồn từ người hiến tặng. Kết quả của quá trình sẽ là những tế bào gốc vạn năng (có thể biệt hóa thành nhiều dạng tế bào khác của cơ thể) được dùng để điều trị bệnh bằng cách cấy ghép tế bào.
Thí nghiệm đã được thực hiện và mô tả trên tạp chí sinh học Cell vừa qua. Theo đó, các nhà khoa học lấy mẫu tế bào da từ 2 người đàn ông trưởng thành có độ tuổi là 35 và 75. Sau đó, bộ DNA từ tế bào da được tách ra và cấy vào trứng do 4 người phụ nữ hiến tặng. Các quả trứng này đã được loại bỏ bộ DNA của người hiến tặng.
Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ dùng biện pháp kích điện để tổng hợp các tế bào trưởng thành với trứng. Nhưng quả trứng sẽ được nuôi dưỡng để tự nhân đôi và phát triển thành tế bào gốc toàn năng có hình dạng một quả cầu rỗng ruột. Từ các tế bào gốc toàn năng tạo thành, khi được cấy vào cơ thể người bệnh, nó sẽ tự biệt hóa thành những tế bào tương ứng với vị trí cấy ghép và thực hiện những chức năng bình thường.
Hồi năm ngoái, các nhà khoa học tại Đại học Oregon đã thực hiện 1 thí nghiệm dựa trên nguyên tắc tương tự. Tuy nhiên, trong thí nghiệm trước đây, nguồn tế bào ban đầu được lấy từ trẻ sơ sinh và bộ DNA của thai nhi (những tế bào chưa được biệt hóa hoàn chỉnh). Kỹ thuật trên được coi là không ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức do không can thiệp vào quá trình hình thành phôi tự nhiên.
Ngoài việc tạo ra được các tế bào gốc toàn năng sau đó cấy vào cơ thê bệnh nhân nhằm phục vụ việc chữa các bệnh như Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa sơ cứng, tiểu đường type 1,... thì các nhà khoa học còn cho biết rằng kỹ thuật trên hoàn toàn có thể nhân bản được một con người hoàn chỉnh.
Giám đốc học viện đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Robert Lanza cho biết: "Liệu pháp điều trị bằng nhân bản vô tính từ lâu đã được xem như một phương tiện giúp điều trị các chứng bệnh có liên quan đến tuổi tác. Thậm chí, các phôi tạo thành bằng phương pháp nhân bản vô tính có thể được sử dụng để nhân bản cả một con người hoàn chỉnh. Dĩ nhiên, đây là 1 việc làm nguy hiểm và phi đạo đức."