Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Francisco Tolmasky chia sẻ về việc phát triển trình duyệt web cho iPhone đời đầu khi chỉ mới 20 tuổi

Francisco_Tolmasky.

Khi Francisco Tolmasky 20 tuổi, anh đã bắt đầu làm việc cho Apple. Và thật ngạc nhiên, anh lại được giao cho một công việc vô cùng quan trọng: phối hợp với những đồng nghiệp của mình để tạo ra một trình duyệt web đầy đủ dành cho chiếc iPhone đời đầu tiên. Công việc bắt đầu từ khi iPhone chỉ còn là một đống mạch điện với đầy những con chip gắn trên đó chứ chưa thật sự thành hình. Và người thường xuyên gặp trực tiếp Tolmasky không ai khác chính là CEO Steven P. Jobs.

Tolmasky nhớ lại: "Steve rất cứng rắn. Ông thường hay nói 'Nó phải là một thứ ma thuật. Quay trở về và làm lại đi, nó chưa đủ kì diệu'". Trong suốt quá trình phát triển Safari phiên bản di động, "tôi cảm thấy rất bực mình. Điều đó giống như một tác vụ không cách gì thực hiện được".

Nhưng cuối cùng thì Tolmasky cùng các kĩ sư khác của Apple cũng đã tạo ra được một trình duyệt có khả năng tải toàn bộ trang web hệt như trên máy tính, chỉ trừ việc nó chạy trên một thiết bị có màn hình chỉ 3,5". Và thay vì dùng chuột và bàn phím, người dùng sẽ tương tác với các trang web thông qua ngón tay của mình - một cú chạm, trượt hoặc miết ngón tay.

Khi iPhone trở nên phổ biến, nhiều đối thủ của Apple cũng nhanh chóng tạo ra những trình duyệt mobile có khả năng tải đầy đủ nội dung website như trên PC chứ không chỉ là những trang WAP đơn sơ đến nhàm chán. Nói chung, trình duyệt Safari di động đã gây một sự ảnh hưởng cực kì lớn đến cách mà các trang web được thiết kế ngày nay.

Nói về việc mình được Apple nhận vào làm, Tolmasky kể rằng anh được công ty liên hệ 6 tháng trước khi tốt nghiệp với tấm bằng khoa học máy tính từ Đại học Nam California. Bên nhân sự của Apple chú ý đến Tolmasky bởi vì anh là một thành viên trong cộng đồng nhà phát triển web sử dụng các tiêu chuẩn của WebKit - bộ nguồn dựng hình ảnh được dùng trong Safari cũng như Chrome. Lúc đó cộng đồng này còn rất nhỏ chứ không lớn mạnh như hiện nay.

Apple muốn Tolmasky bắt đầu công việc ngay lập tức, tuy nhiên anh chọn cách học cho xong các khóa tài trường. Đến khi anh chuẩn bị vào làm chính thức trong quý 1 năm 2006 thì Jobs lại có một kì nghỉ dài đến cả tháng, thế nên Tolmasky phải đợi đến khi Jobs quay về để nhận lời chúc mừng từ vị CEO này rồi mới bắt đầu công việc của mình. Tolmasky nói: "Ông (Jobs) cực kì kín tiếng về dự án, và tất nhiên ông sẽ cực kì nghi ngờ một tên nhóc chỉ mới 20 tuổi".

Tolmasky cho biết anh và nhóm phát triển iPhone làm việc trong một khu vực "hẻo lánh" thuộc trụ sở chính của Apple. Trong dự án bí mật này có hai bộ phận: nhóm phần cứng và nhóm phần mềm, cả hai đều làm việc động lập với nhau để tránh làm rò rỉ thông tin. Jobs họp với đội ngũ này ít nhất hai lần một tuần.

Trong nhóm phần mềm lại chia nhỏ thành hai nhóm khác: nhóm chuyên về web và nhóm chuyên về app. Đội ngũ của Tolmasky tất nhiên thuộc về mảng web và lúc đó chỉ có 5 người làm việc cùng nhau. "Mỗi một thứ trong đây cơ bản là một người", Tolmasky nói trong lúc gõ ngón tay vào một số icon trên chiếc hộp đựng iPhone đời đầu tiên. Và mặc dù nội bộ nhóm có hợp tác với nhau nhưng mỗi một ứng dụng đều có một người lãnh đạo riêng.

iphone-2g-555.

Tolmasky cũng dành ít thời gian để nói về cách mà những ứng dụng và tính năng khác của iPhone được tạo ra. Ví dụ như bàn phím ảo trên iPhone thực chất là kết quả từ một cuộc thi nhỏ do Jobs tổ chức. Vị CEO khi đó không hài lòng với những nguyên mẫu bàn phím dùng cho iPhone, và đã có lần ông giao cho cả nhóm phải tập trung vào làm việc với bàn phím trong cả một tuần. Một kĩ sự thuộc nhóm của Tolmasky đã thắng cuộc thi này và kể từ đó trở đi anh ấy chỉ ngồi phát triển bàn phím cho iPhone mà thôi.

Ứng dụng bản đồ trên iPhone cũng có câu chuyện của riêng nó. Ít người biết được rằng Jobs muốn có một ứng dụng bản đồ trên iPhone chỉ vài tuần trước khi mẫu điện thoại này được giới thiệu tại sự kiện v hồi tháng 1/2007. Một đồng nghiệp khác của Tolmasky chịu trách nhiệm viết phần mềm này và anh đã phải làm việc liên tục để tạo radc một app bản đồ chạy được cho bài thuyết trình của Jobs. "Chỉ trong một tuần anh ấy đã tạo ra một thứ chạy được, đến tuần thứ hai anh ta có một sản phẩm để khoe với mọi người tại Macworld. Đó là hiệu ứng mà Jobs có thể gây ảnh hưởng lên bạn: Đây là thứ quan trọng, điều đó phải xảy ra, và anh làm nó đi".

Một câu chuyện vui khác được Tolmasky kể đó là trong nhóm thiết kế iPhone cũng có một người khác tên là Steve, trùng tên với Steve Jobs. Việc này khiến một số thành viên bị rối trong các cuộc họp. "Đến lúc Steve Jobs cảm thấy quá bực mình và ông nói 'Biết gì không, kể từ bây giờ anh sẽ mang tên Margaret'. Thế là từ đó trở đi, mọi người trong nhóm đều gọi anh chàng thiết kế này là Margaret".

Bây giờ thì Tolmasky đã 29 tuổi và đang sống ở San Francisco. Anh rời Apple vào tháng 12 năm 2007 để thành lập một doanh nghiệp của riêng mình để theo đuổi mảng game di động. Với cái tên 280 North, công ty khởi nghiệp này viết ra một bộ công cụ giúp lập trình viên phát triển game dành cho điện thoại một cách dễ dàng hơn. Motorola đã mua lại công ty của Tolmasky cách đây 4 năm với giá 20 triệu USD.

Anh kể anh rời công ty bởi vì sau khi iPhone ra mắt, nó đã trở thành một thứ quá thành công và nhóm xây dựng iPhone phải phát triển lên, thứ tự ưu tiên của các công việc cũng thay đổi. Nó không còn mang lại cảm giác của một công ty khởi nghiệp nữa, thế nên Tolmasky rời đi và mở công ty riêng.

Hiện Tolmasky đang tập trung vào những game có thể tận dụng hệ thống cảm biến thông minh trên smartphone ngày nay, ví dụ như gia tốc kế hay con quay hồi chuyển. Bonsai Slice là tựa game mới nhất của Tolmasky và nó được phát triển bởi 5 lập trình viên. Thao tác trong game sẽ bao gồm việc vẫy vẫy chiếc iPad như là đang sử dụng game để cắt lấy những vật thể trên màn hình.


Nguồn: New York Times