WSJ: Ghen tỵ đúng cách sẽ có hiệu quả tốt đối với công việc và cuộc
sống của con người
Với 1 tỷ người dùng như hiện nay, không chỉ đây là một niềm tự hào cho Facebook về thành quả đạt được mà còn là nguồn dữ liệu vô giá cho các nhà khoa học nghiên cứu về tâm lý và cảm xúc của con người. Những post xuất hiện hàng ngày về những món đồ mới, những chuyến đi du lịch hay những thành quả mà người khác đạt được,... trong khi một số người khác lại không đủ khả năng thực hiện. Những điều trên là 1 trong những nguyên nhân cho lòng đố kỵ trong thế giới hiện đại ngày nay. Thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều khía cạnh thú vị xoay quanh một trạng thái của con người: Sự ghen tỵ.
Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Plos One hồi tháng 8 năm ngoái bởi nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan đã phát hiện ra rằng: con người sử dụng Facebook càng nhiều thì mức độ hài lòng với cuộc sống của họ càng giảm. Trong một nghiên cứu khác dựa trên khảo sát 600 người dùng facebook tại một thị trấn ở Đức đã cho thấy người dùng mạng xã hội càng nhiều thì thái độ ghen tức với những người khác càng tăng cao.
Thoạt nhìn, sự ghen tỵ trong thế giới hiện đại có vẻ không được tốt cho lắm. Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Trong nhiều nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng nếu mặt trái nói trên được vận dụng một cách đúng đắn, nó có thể tạo ra những điều khác theo chiều hướng tích cực hơn.
Các nhà tâm lý học phân chia sự ghen tỵ ra làm 2 nhóm chính: tiêu cực và tích cực. Với trạng thái ghen tỵ tích cực. bạn sẽ nhận được sự thúc đẩy từ một người khác và cố gắng lao động hăng say để thực hiện được thành công tương tự. Nếu đó là ghen tỵ tiêu cực, bạn luôn có xu hướng bới móc và hạ bệ thành công của người khác nhằm tạo cho mình cảm giác tốt hơn khi so với người đó. Sự ghen tỵ tiêu cực có thể làm bạn tự suy yếu và khó thể nào đạt được đến thành công. Ngược lại, sự ghen tỵ tích cực sẽ truyền cảm hứng cho bạn làm việc hiệu quả hơn, giúp bạn đạt được thành công dễ dàng hơn.
Nghiên cứu cho thấy sự ghen tỵ tích cực có thể trở thành một động lực vô cùng lớn. Vào năm 2011, một nghiên cứu được công bố trên Tập san nhân cách và tâm lý học xã hội, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã thực hiện nhiều thí nghiệm với hơn 200 sinh viên đại học. Kết quả cho thấy, khi được kích thích sự ghen tỵ tích cực, các sinh viên sẽ thực hiện các bài kiểm tra đo trí thông minh và sức sáng tạo với kết quả tốt hơn. Trong khi sự ghen tỵ tích cực sẽ tạo ra sự ngưỡng mộ và thúc đẩy con người với những cảm xúc tốt, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy điều ngược lại rằng, sự ghen tỵ tiêu cực chỉ mang đến cho con người những cảm xúc đau đớn và thất vọng.
Không chỉ có người bình thường, ngay cả các nhà tâm lý học và nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác cũng mắc phải sự ghen tỵ trong suy nghĩ. Bác sĩ tâm lý học, lãnh đạo trung tâm huấn luyện và đào tại kỹ năng đã chia sẻ với tờ WSJ rằng: "Có một người trong lĩnh vực của chúng tôi. Đó là một tên tuổi lớn với nhiều đột phá trong nghiên cứu. Bất cứ khi nào tôi nghe tới tên của anh ta, dạ dày của tôi dường như thắt lại. Nhưng thay vì ghen tỵ với anh ta, tôi tự nhìn lại mình và tự hỏi rằng "điều gì khiến tôi không đạt được thành quả tương tự? Tôi không thể đạt được thành công như anh ấy sao?"
Tiến sĩ Sarah E. Hill, nhà nghiên cứu tại Đại học Texas Christian cho biết: "1 nguyên nhân của cảm giác đau đớn do sự ghen tỵ bắt nguồn từ lý do tiến hóa. Những người xung quanh có một số điều khá quan trọng với chúng ta." Dựa trên giả thuyết này, tiến sĩ Hill và các nhà nghiên cứu khác đã thực hiện một loạt các thử nghiệm và kết quả đã được đăng tải trên Tạp chí nhân cách và tâm lý học xã hội. Thử nghiệm cho thấy sự ghen tỵ thúc đẩy con người cải thiện sự chú ý và trí nhớ, các công cụ cần thiết để con người có thể sao chép quá trình thực hiện thành công của người khác,
Trong 1 thí nghiệm của tiến sĩ Hill, một nửa số người tham gia được gợi lại cảm giác ghen tỵ, nửa còn lại thì không. Sau đó, cả 2 nhóm đều thông qua cuộc phỏng vấn về các đồng nghiệp của họ. Kết quả cho thấy, nhóm được gợi lại sự ghen tỵ thể hiện sự chú ý tốt hơn và họ có thể miêu tả khá chính xác các chi tiết về đồng nghiệp của mình. Nói cách khác, sự ghen tỵ làm cho con người sắc sảo hơn. Không chỉ sự ghen tỵ thúc đẩy chúng ta đạt được thành tựu cao hơn mà còn giúp chúng ta nhận thức được phương pháp để đạt được điều đó.
Dĩ nhiên, sự ghen tỵ cũng là một vấn đề thường gặp trong các văn phòng. Trong một nghiên cứu đăng tải trên Harvard Business Review, giáo sư kinh tế Tanya Menon và Leigh Thompson đã khảo sát sự ghen tỵ tại nơi làm việc dưới góc nhìn của hàng trăm lãnh đạo về công ty của họ trong khoảng thời gian hơn 10 năm.
Bên cạnh kết quả rằng tính ghen tỵ có thể phá hủy sự nghiệp và công việc của các công ty, 2 nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những mặt tích cực khi áp dụng đúng đắn sự ghen tỵ. 2 nhà nghiên cứu đã ghi nhận rằng: "Phản xạ ghen tỵ có thể định hướng đúng cho bạn. Nó giúp bạn tập trung thời gian và sự chú ý của mình vào những vấn đề quan trọng đối với công việc của bạn. Hãy suy nghĩ nó như một dữ liệu về các giá trị của con người bạn."
Để bảo vệ chính mình khỏi rơi vào cái bẫy của sự ghen tỵ tiêu cực, các giáo sư khuyến cáo rằng hãy nhìn lại những thành tựu của bản thân mình khi đối mặt với cảm giác ghen tỵ. Trong một thử nghiệm, họ đã yêu cầu những người tham gia nêu ý tưởng về những điều họ phải làm để có thể đạt được thành quả cao hơn người khác.
Nhóm nghiên cứu yêu cầu 1 nửa những người tham gia liệt kê những thành quả trước đó của họ, nửa còn lại không làm như vậy. Kết quả cho thấy, nhóm đầu tiên đặt ra nhiệm vụ sẽ dành khoảng thời gian nhiều hơn 60% so với trước đây để học tập thêm. Từ kết quả trên, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận: "Nếu các nhân viên có thể được khuyến khích suy nghĩ tích cực về sự ghen tỵ, điều này sẽ tác động rất lớn đối với công việc của họ."