Nghiên cứu: Tác động của yếu tố tâm lý học để giành chiến thắng trong
trò chơi Oẳn Tù Xì
Mô hình toán học của trò chơi kéo, búa, bao. (A) là ma trận kết quả (B) là mối quan hệ giữa các lựa chọn (C) sơ đồ phân bố các lựa chọn với kích thước mẫu N=6 và thống kê sau 3 vòng chơi.
Một nghiên cứu về chiến thuật chơi kéo búa bao (hay oảnh tù xì/oẳn tù tì - cách đọc trại của đếm "one two three") đã đưa ra những lời khuyên cho những ai muốn thắng trò chơi tưởng chừng như ngẫu nhiên này ít nhất là cho tới khi đối thủ của bạn chưa đọc qua bài viết này.
Kéo, búa, bao là một trò chơi quen thuộc đối với trẻ em tại nhiều nước trên thế giới và dĩ nhiên trong số đó có cả Việt Nam. Ngày nay, trò chơi này còn được người lớn tham gia với các giải đấu nghiêm túc và thậm chí là một cuộc thi vô địch thế giới được tổ chức để tìm ra người chơi giỏi nhất. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng thằn lằn cũng có thể chơi trò chơi tương tự.
Nếu tất cả mọi người đều chơi một cách ngẫu nhiên thì một cách đơn giản, việc tìm ra người thắng cuộc cũng theo đó mà hoàn toàn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, một số người khác lại muốn loại bỏ tính may rủi ra khỏi trò chơi với suy nghĩ rằng đó là trò chơi của con người chứ không phải là một cái máy tạo số ngẫu nhiên. Từ đó, họ hình thành nên một mô hình về chúng ta chơi như thế nào và đề xuất phương pháp để có thể giành được lợi thế và chia sẻ các chiến thuật chơi lên trang web của những đam mê trò chơi này. Dù vậy, các chiến lược đó vẫn chưa được xác nhận một cách đáng tin cậy và chỉ dừng lại ở các khái niệm logic giản đơn.
Và giờ đây, các nhà nghiên cứu đã nghiêm túc đưa các vấn đề xoay quanh trò chơi kéo, búa, bao đem soi sáng dưới khía cạnh khoa học. Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Chiết Giang, Trung Quốc đã khảo sát trên 300 người tình nguyện, và một phần thưởng dành cho người chiến thắng cuối cùng trong trò chơi này. Kết quả nghiên cứu đã tìm thấy các mô hình của trò chơi từ đó đưa ra lời khuyên để giành chiến thắng. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Physics and Society dưới tựa đề "Chu kỳ xã hội và phản ứng có điều kiện trong trò chơi kéo, búa, bao."
Trong nghiên cứu, mỗi người chơi lần lượt lặp đi lặp lại các vòng đấu với tất cả những người khác. Kết quả cho thấy những người chiến thắng với lựa chọn của mình (chọn hoặc kéo hoặc búa hoặc bao) thường có xu hướng lặp lại lựa chọn đó một lần nữa. Ngược lại, nếu họ thua quá nhiều lần với 1 lựa chọn, họ sẽ có xu hướng từ bỏ lựa chọn đã bị thua cuộc.
Vì vậy, tốt nhất là sau khi thua cuộc thì nên lặp tức từ bỏ lựa chọn thua cuộc và chuyển ngay sang một lựa chọn mới có thể thắng được lựa chọn của đối thủ. Ngược lại, nếu bạn đã giành chiến thắng, thì do đối thủ có xu hướng sẽ thay đổi lựa chọn để đánh bại tùy chọn cũ của bạn, do đó bạn nên thay đổi ngay lựa chọn khác để gianh chiến thắng.
Một thí dụ dễ hiểu là 2 bạn A và B cùng chơi. A chơi ngẫu nhiên còn B đã hiểu được quy tắc tâm lý nói trên. Lượt đầu tiên, A chọn kéo và B chọn búa. A thua. A sẽ có xu hướng từ bỏ lựa chọn kéo và chọn bao để thắng được búa. Trong khi đó do B đã chiến thắng và biết được nguyên tắc tâm lý nên sẽ dự đoán được rằng A sẽ chọn bao, do đó B chọn kéo để giành chiến thắng.
Vẫn 2 người chơi A và B nói trên nhưng trong một ván khác. A chọn búa và B chọn kéo. A thắng nên A có xu hướng tiếp tục chọn búa. Nắm được tâm lý đó, B sẽ phải đổi sang chọn bao ở lượt tiếp theo để giành chiến thắng.
Trên thực tế, trạng thái tâm lý trên không có gì xa lạ đối với các nhà tâm lý học. Con người thường có xu hướng tiếp tục sử dụng chiến thuật đã giúp chúng ta dành chiến thắng và nếu gặp thất bại, chúng ta sẽ chuyển sang một chiến thuật mới hầu giành chiến thắng và vòng suy nghĩ đó cứ liên tục diễn ra. Nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Krugman, người đã từng nhận được giải thưởng Nobel kinh tế hồi năm 2008, cũng đã chỉ ra diễn biến tâm lý tương tự trong việc điều khiển bong bóng chứng khoán và điều này đã bắt nguồn từ tổ tiên của con người ngay trong thời đồ đá đến nay.
Tuy nhiên, phương pháp trên chỉ có thể áp dụng đối với những người có thể suy nghĩ và phân tích một cách nhanh chóng để đưa ra lựa chọn hợp lý. Các nhà nghiên cứu tại Chiết Giang đã chỉ ra rằng hiếm có người đủ nhanh nhạy để có thể áp dụng được phương pháp trên, đa số vẫn đưa ra lựa chọn của mình dựa trên phản xạ.
Dù vậy, do giới hạn về kích cỡ mẫu đã khiến cho một số nhà khoa học khác hoài nghi về tính chính xác của kết luận nói trên do chưa có đủ ý nghĩa thống kê. Mặt khác, kết luận về hành vi tập thể nói trên của các nahf khoa học Chiết Giang cũng mâu thuẫn với lý thuyết trò chơi. Dưới quan điểm lý thuyết trò chơi cổ điển thì kéo, búa, bao là một mô hình đối xứng lặp lại vô hạn số lượt chơi và có xu hướng tiến đến trạng thái cân bằng NE (Nash equilibrium). Theo mô hình trò chơi dạng chuẩn tắc, cả 2 người chơi đều không ai thắng cuộc và cuối cùng rơi vào trạng thái lưỡng bại câu thương tương tự như trong Song đề tù nhân, trò chơi con gà hoặc đi săn nai.
Dù sao đi nữa thì đây cũng là một kết luận về tâm lý học khá thú vị. Mình đã thử áp dụng với một vài người bạn và nhận được kết quả khá lạc quan. Hy vọng các bạn cũng có thể giành chiến thắng với chiến thuật này trong trò chơi kéo, búa, bao truyền thống.