Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Trông họa mà nghĩ tới nhiếp - Mạn đàm về nhiếp ảnh nghệ thuật phong cảnh, con người

Hoạ sĩ vẽ phong cảnh (và hội hoạ nói chung) bắt đầu trên một tấm vải (tờ giấy) trắng và thêm mây trời sông núi ... cho tới khi hoàn thiện. Anh ta hoặc ra ngoài ngoại cảnh, hoặc tưởng tượng những gì mình đã nhìn thấy, hoặc có thể nhìn vào một bức ảnh chụp để làm nguyên liệu cho tác phẩm của mình. Anh ta hoàn toàn không phải hoạ cho thật giống cảnh thực mà sử dụng nó để phóng chiếu cách nhìn / quan điểm của mình đối với thế giới bên ngoài - cho tới nay chẳng ai tranh luận về việc anh ta có vẽ "như thật" hay không

Hoạ sĩ không bị bó buộc bởi cái cây nằm không đúng vị trí, "dãy tương phản" yếu ... vì vậy bố cục của những bức tranh thường rất chỉnh chu, màu sắc rực rỡ và bão hoà - hôm buồn thì anh dùng màu u ám, hôm vui thì cảnh sắc tươi tắn.


Nhiếp ảnh:

Vì khả năng mô tả chính xác chi tiết "sự thật" của máy ảnh nên người ta thường "áp đặt" những bức ảnh phải thật là giống thật. Thực tế ở nhiếp ảnh nghệ thuật / phong cảnh - cần có một sự "tự do" nhất định đối với người chụp để nó thành của mình chứ không phải của máy.

Cũng khó có thể nói tự do thế nào là "vừa đủ" và tự do thế nào là "quá trớn" bởi xét cho cùng, một tác phẩm nghệ thuật để người ta thích hay không thích chứ không phải để nói đúng / sai. Thường thì người xem dễ "dung thứ" cho việc bỏ bớt chi tiết chứ ít khi thích thú với việc "ngoại vật" được đưa vào, nhất là khi quá lộ - nhưng điều này cũng rất tương đối.

IMG_20140502_113125.
Đại cảnh rộng lớn - biết bớt cái gì đây? - Mũi Kê Gà - Phan Thiết

Nghệ sĩ nhiếp ảnh bắt đầu từ một đống chi tiết và sẽ gọt loại dần để có được tác phẩm cuối cùng. Họ gọt bằng cách nào?: Dùng ống kính wide / tele, hướng ống kính vào đâu (bố cục) và khoảnh khắc (chờ con trâu đi qua) v.v..... Họ cũng loại bỏ chi tiết bằng cách chủ động cúi xuống nhặt miếng rác nằm ở tiền cảnh, hoặc làm hậu kỳ bằng giảm bão hoà màu, thậm chí là trắng đen, loại bỏ chi tiết dư thừa ….

Còn việc THÊM CHI TIẾT? đây mới là vấn đề nảy sinh nhiều tranh luận, hãy thử trao đổi vài "cách" thêm chi tiết:
  • Thêm nhẹ:
Phong cảnh rất đẹp có 2 cái cây nhỏ trơ trọi, nhiếp ảnh gia nhận ra rằng có thêm khoảng 2-3 cái cây như vậy to nhỏ nằm ở một góc khác thì đẹp hơn, và họ CLONE.

Mặt nước thiếu một chút màu xanh sẫm, tăng bão hoà blue+aqua rồi mà vẫn chưa đủ, vậy thì … bôi thêm chút nữa cho đủ ấn tượng.

Bầu trời thành phố trăng rất đẹp nhưng nếu lấy được nhà thì trăng nhỏ xíu, lấy trăng thì chẳng thấy ở dưới và vì vậy người ta chụp 2 lần bằng ống wide và tele để ghép lại với nhau … v.v và v.v ..
  • Thêm nặng:
Chẳng có mặt trời: thêm luôn ông mặt trời và tia nắng chói lọi
Thời tiết xấu ở miền Bắc? thêm luôn đám mây đẹp ở miền Nam
  • Dựng mới: Cao hơn của việc thêm chi tiết, đó là cái mà chúng ta hay gọi là "ảnh setup"
Bình minh biển thật đẹp, tiềm năng cho một bức ảnh phong cảnh tuyệt vời … nhưng thiếu một cái gì đó ở đằng trước - còn gì hay hơn đó là thêm cảnh làm việc ban sáng điểm xuyến cho một bầu trời ấn tượng. Người dân vẫn làm việc mà chẳng qua tại lúc ta ra chụp họ không ở đó mà thôi - dàn dựng là một cách thông minh để tạo nên một bức ảnh hoàn thiện - nói được cái mà tác giả muốn nói. Người nghệ sĩ cho phép mình có một sự tự do nhất định cho việc kiến tạo một tác phẩm chứ không phải hoàn toàn dựa vào thiên nhiên - hoạ sĩ được phép làm vậy mà, sao nhiếp ảnh gia lại không :)

BehindEyesVotmattroi.
Vớt mặt trời - Behind Eyes - Camera Tinh Tế Miền Tây offline tại Bạc Liêu.

Trở lại vấn đề ban đầu, hoạ sĩ hay nhiếp sĩ - khi nói về nghệ thuật - đều là sáng tạo - phản ảnh ý tưởng quan điểm của mình - và vì vậy nó phải mới, nếu có giống chút gì đó thì cũng mang hơi hướng phong cách hoặc trường phái chứ không được giống tới mức bị nghi ngờ sao chép (ý tưởng).

Vì lẽ đó, nếu ai đó đã từng setup một cảnh tuyệt vời, ví dụ thiếu nữ Chăm đi trên đồi cát, Quăng chài … thì đó là ý tưởng vinh danh của họ. Các setup giống quá - tuy cũng thật tuyệt đẹp với những ai nhìn thấy lần đầu - thì cơ bản cũng giống như tranh sao chép. Hoặc đứng trước một cảnh biển, núi non mà xử lý bố cục như "tiền bối" thì cũng chẳng còn là mình - dĩ nhiên điều này chấp nhận được khi ta coi mình còn "đang học".

Vậy thì, chúng ta nên cho phép mình tự do thêm, bớt chi tiết hoặc dàn dựng chứ đừng nghĩ nhiếp ảnh nghệ thuật nói chung và phong cảnh nói riêng phải mô tả sự thật, vì khi đó ảnh của mình mới là của mình chứ không phải của hãng máy ảnh. Điều quan trọng cuối cùng là nó phải lay động cảm quan người xem - không nhiều thì ít. Chúng ta cho phép mình "đứng trên vai những người khổng lồ" và sáng tạo tiếp - chứ đừng ép mình thành cừu Dolly bởi như vậy mới "đẹp" :)