Tin rò rỉ, những lời nói dối và hệ quả của chúng
"iPhone 6 sẽ ra mắt trên toàn cầu vào ngày 19/9", đó là nội dung của email được gửi đến cho một phóng viên của trang Engadget. Anh phóng viên không biết ai là người gửi, và cũng chẳng biết làm cách nào mà họ có được thông tin này. Vì email xuất phát từ một dịch vụ mang tên Leak cho phép người gửi ẩn toàn bộ danh tính của mình nên không có cách nào để truy ngược xem ai đã nhấn nút gửi. Có thể chính Tim Cook, CEO của Apple đã gửi nó, chúng ta chẳng thể nào biết chính xác.
Những tin đồn dạng này xuất hiện suốt, và số lượng của chúng đã tăng nhanh trong vòng vài năm trở lại đây. Giờ thì mọi chuyện đã quá dễ dàng để có ai đó tạo ra một tin đồn nhưng không phải chịu trách nhiệm gì cả. Hộp thư của những trang tin như Engadget cũng đành bó tay trong việc truy tìm thông tin người gửi. Chúng ta, những người theo dõi tin tức công nghệ hằng ngày, đã trở nên "ám ảnh" bởi các tin đồn, hay nói một cách hoa mĩ hơn, là bị "ám ảnh" bởi những tin rò rỉ.
Gần như ai cũng muốn biết một sản phẩm sắp ra mắt trong tương lai sẽ trông như thế nào, và không nhiều smartphone hiện đại có thể được trình làng mà không bị rò rỉ thông tin trước. Chiếc iPhone thế hệ mới vẫn chưa được ra mắt, tuy nhiên hàng triệu người đang nghĩ rằng họ đã biết hết về hình dáng và tính năng của nó nhờ vào loạt ảnh chụp lộ diện trong nhiều tháng trời. Ngay cả khi tin rò rỉ không chính xác thì cũng quá muộn rồi. Có cả tá người đã quyết định liệu họ có mua iPhone mới hay không, và quyết định đó được đưa ra chỉ dựa trên các tin đồn mà thôi.
quote alert!
Những tin đồn dạng như hình ảnh iPhone 6, nắp lưng iPhone, màn hình iPad mới... có thể được xem như một dạng quote trong thị trường thiết bị tiêu dùng (từ "quote" thường dùng để chỉ những người, hoặc những thông tin, tiết lộ trước về chi tiết trong phim khi mà người khác chưa có cơ hội xem). Dù cho đúng hay sai thì các tin rò rỉ cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến trải nghiệm của chúng ta khi thấy một sản phẩm được chính thức công bố: hoặc là các tin đồn đã khiến chúng ta kì vọng quá ít, hoặc kì vọng quá nhiều, và nếu sản phẩm thực tế không khớp với kì vọng thì nhiều khả năng bạn sẽ đi tìm một cái máy khác nếu đang có nhu cầu đổi thiết bị. Nói cách khác, số phận của một chiếc smartphone, một chiếc tablet đã được định đoạn trước cả lúc chúng xuất hiện trên thị trường.
Chiếc máy bên dưới được cho là iPhone 6
Hầu hết mọi người đều ghét quote trong lĩnh vực phim ảnh, nhưng ít có ai lại ghét tin đồn trong lĩnh vực công nghệ. Khi vlogger nổi tiếng Marques Brownlee trình diễn tấm bảo vệ màn hình sapphire được cho là của iPhone 6, video của anh đã có hàng triệu lượt xem. Hai người rò rỉ nổi tiếng là Sony Dickson và Evan Blass (chính là evleaks) cũng đã khiến cho hàng trăm nghìn người điên đảo follow mình trên Twitter để được biết trước một phần của những sản phẩm mới.
Trong thời đại ngày nay, khi mà thế giới đã trở nên siêu phẳng thì các tin rò rỉ có thể được xem như một quy tắc, không còn là một ngoại lệ nữa. Tin đồn có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau: từ những người nhân viên, đối tác trong chuỗi cung ứng, từ những website công cộng (ví dụ như trang FCC của Mỹ hay TENAA của Trung Quốc), hay thậm chí là do hãng cố tính rò rỉ thông tin. Dù gì đi nữa thì việc rò rỉ cũng cực kì khó kiểm soát, và theo lời của nhà phân tích Jan Dawson thì "các công ty phải phụ thuộc vào một chuỗi cung ứng linh kiện và sản xuất phức tạp có liên quan đến nhiều công ty khác, chính vì thế việc không bị rò rỉ là rất khó xảy ra".
Những dịch vụ/ứng dụng như Leak và Secret (đăng tải confession cho bạn bè một cách ẩn danh) thì làm cho mọi chuyện thêm phức tạp bởi người nhận tin đồn không rõ người rỏ rỉ là ai, chính vì vậy họ không thể phân biệt liệu tin rò rỉ là thực hay chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Một tuần trước khi phó chủ tịch Vic Gundotra rời Google, có ai đó đăng lên Secret rằng quan chức cấp cao này đang phỏng vấn, và chẳng ai biết rằng ông sẽ rời công ty một thời gian ngắn sau đó. Một bài post khác thì nói rằng biên tập viên trưởng Alexia Tsotsis của trang TechCrunch đang chuẩn bị nghỉ việc, thế nhưng tin đồn này là hoàn toàn sai.
Tác dụng phụ
Khi bản mẫu của iPhone 4 bị bỏ quên trong một quán bar, truyền thống bảo mật của Apple bị chê trách theo cách mà chưa một ai từng thấy. Sự sai sót này còn được báo chí nhắc đến nhiều hơn cả sự kiện ra mắt iPhone 4 chính thức. Tuy nhiên, theo lời luật sư George Riley của Apple thì việc rò rỉ này đã khiến Apple phải trả giá khá đắt. Trong một hồ sơ gửi lên tòa, Riley nói: "Việc đăng tải các chi tiết về chiếc điện thoại và tính năng của nó... (đã khiến cho) những người dùng đáng lẽ ra sẽ mua điện thoại thì họ rút lại và chờ đến phiên bản kế tiếp".
Có thể Apple không bị thiệt hại quá nhiều bởi vì lịch trình ra mắt sản phẩm của công ty là có thể dự đoán được, fan hâm mộ cũng đoán chắc rằng iPhone 4 sắp được công bố, thế nên họ vẫn mong ngóng đến ngày thiết bị này xuất hiện trên kệ hàng. Nhưng về mặt lý thuyết, bất kì tin rò rỉ nào cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến doanh số của các công ty, kéo theo đó là những con số tài chính "xấu" và hãng cũng đã làm thất vọng các nhà đầu tư.
Chiếc iPhone 4 bị rò rỉ mà trang Gizmodo có được, sau đó một thời gian thì Tinh tế cũng có trên tay
Dawson tin rằng có hai tình huống mà các tin rò rỉ có thể gây ra thiệt hại tài chính: một chiếc điện thoại ra mắt sớm hơn thời điểm người dùng kì vọng, hoặc một chiếc điện thoại ra mắt đúng lúc nhưng không khớp với tin đồn. Khi đó, người dùng cảm thấy thất vọng và họ chuyển sang một sản phẩm khác. Trong bối cảnh nhiều tin đồn nói rằng iPhone mới sẽ có hai kích thước 4,7" và 5", cả hai đều lớn hơn chiếc iPhone 5s hiện nay, thì lập luận của Dawson là hoàn toàn có lý. Nếu người ta tin vào tin đồn nói trên, có lẽ họ (và có thể là chính bạn, người đang đọc bài viết này) đã quyết định liệu có bỏ tiền ra sắm iPhone thế hệ kế tiếp hay không.
Với một công ty như Apple, việc mất doanh số chỉ mới là một nửa vấn đề mà thôi. Một nửa còn lại chính là việc người ta mất đi hứng thú với những bài thuyết trình giới thiệu sản phẩm, vốn là một trong những tâm điểm của mỗi đời iPhone. Apple dựa vào các sự kiện lớn với những phát ngôn đầy ấn tượng đến từ đội ngũ quan chức của hãng để trình làng một sản phẩm mới ra thị trường, và các tin rò rỉ đã khiến cái "hồn" của buổi lễ ra mắt bị giảm đi, lời nói của những quan chức cũng ít có trọng lượng hơn. Và mọi chuyện càng tồi tệ hơn nữa khi tin đồn chính xác. Khi một công ty muốn làm cho khán giả của mình ấn tượng, họ đặt nhiều nỗ lực vào việc làm cho mọi người ngạc nhiên đến mức hài lòng, và với sự xuất hiện của các tin đồn thì yếu tố bất ngờ không còn nữa.
Tích cực hay tiêu cực?
Ken Hong, giám đốc truyền thông toàn cầu của LG Electronics, thì nói rằng: "Ngành công nghiệp đã tiến hóa đến mức mà các nhà báo không chỉ tham dự buổi họp để nghe về sản phẩm mới, mà còn để trải nghiệm những sản phẩm đó và gặp gỡ những người đã góp phần tạo ra chúng". Ông tin rằng trải nghiệm thực tế này có khả năng lấn lướt bất kì thiệt hại nào mà các tin đồn có thể gây ra cho LG.
Hình ảnh LG G3 màu vàng bị lộ diện
Thiệt hại bởi các tin đồn sai thật sự cũng khó mà đoán được, bởi vì điều đó phụ thuộc vào mức kỳ vọng mà các tin đồn đã đặt ra cho người dùng. Theo Ramon Llamas, nhà phân tích của IDC, thì "tin rò rỉ không chính xác chỉ có thể giúp ích khi sản phẩm thực tế vượt qua cả kỳ vọng mà tin đồn đặt ra, và trong trường hợp đó, mọi người đều vui vẻ". Llamas lấy một ví dụ đó là vào năm 2006 rộ lên tin đồn rằng chiếc iPhone đời đầu tiên sẽ trông như một chiếc iPod Class, có cả bánh xe Clickwheel nữa. May mắn thay, sản phẩm được Apple giới thiệu không phải như thế, thay vào đó máy sở nữu cả một màn hình cảm ứng vừa to vừa ấn tượng. Sau này người ta mới biết là Apple thực chất có cân nhắc đến việc xài Clickwheel cho iPhone, tuy nhiên ý tưởng đó đã bị bác bỏ và không bao giờ xuất hiện trên thị trường.
Trong một tình huống khác, tin rò rỉ sai cũng dẫn đến sự thất vọng của người dùng khi một sản phẩm được chính thức công bố. Những tin rò rỉ hồi trước gợi ý rằng chiếc Samsung Galaxy S5 sẽ được trang bị màn hình 2K và tính năng quét vọng mạc. Thế rồi những tin đồn sau đó dần dần loại bỏ đi những chi tiết này, và cuối cùng thì chiếc smartphone chủ lực của Samsung trong nửa đầu năm 2014 không có đủ những tính năng như kỳ vọng ban đầu của fan. Nhấn mạnh là không như kỳ vọng của fan thông qua các tin rò rỉ. Cuối cùng thì Samsung cũng có ra mắt một phiên bản dùng màn hình 2K của Galaxy S5, tuy nhiên máy chỉ được bán ở Hàn Quốc mà thôi.
Mặc dù vậy, Ken Hong vẫn nói rằng khó mà chứng minh được liệu một tin đồn có thật sự ảnh hưởng đến doanh số của công ty hay không. "Chẳng ai biết nếu tin rò rỉ là đúng hay sai cho đến khi công ty xác nhận nó. Có thể 5 năm về trước mọi người tin luôn vào tin rò rỉ mà họ nghe, còn bây giờ thì mọi chuyện đã khác".
Even Blass (evleaks) cũng có cùng ý kiến như thế. Anh tin rằng các kết quả tích cực từ tin rò rỉ thì nhiều hơn là kết quả tiêu cực. "Khi bạn thấy cả trăm lời bình luận trong một topic rò rỉ nói về những chi tiết nhỏ nhất của thiết bị thì đó là chiến thắng lớn cho các nhà sản xuất. Mục tiêu chủ yếu của nhóm marketing đó là đem sản phẩm đến trước mắt nhiều người nhất có thể, và họ đã có được chuyện đó".
Đây có phải là Sony Xperia Z3? evleaks nghĩ điều đó là đúng
Nhiều công ty cũng sử dụng phản ứng của người dùng thông qua các tin đồn để đánh giá sản phẩm của mình. Sonny Dickson, người nổi tiếng nhờ các tin rò rỉ và hình ảnh về sản phẩm của Apple, Samsung, cho rằng phản hồi của người dùng có thể giúp các công ty thực hiện những thay đổi nhỏ với sản phẩm của họ vào phút chót. "Tôi chỉ là một phần của vòng đời sản phẩm", Dickson nói.
Ảnh hưởng đến người dùng và những bên khác
Về phía người tiêu dùng - chính là mình, là các anh chị em Tinh tế, là những người sẽ bỏ tiền ra mua sản phẩm - thì các tin rò rỉ đều gây ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta. Các tin đồn, tin rò rỉ sẽ thiết lập nên ấn tượng ban đầu của chúng ta về một sản phẩm sắp ra mắt, và chúng ta thường có xu hướng thích hoặc không thích chúng ngay từ đầu. Việc nhìn thấy một chiếc điện thoại đẹp ngay từ lần đầu tiên thì thật là thú vị, nó làm thỏa mãn niềm đam mê công nghệ bên trong mỗi chúng ta. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng đến việc chúng ta quyết định mua hay không mua một thiết bị. Sau đó, chúng ta lại đi nói với bạn bè, người thân, và thế là sự tình cứ được lan rộng.
HTC One M8 Prime, một sản phẩm được evleaks rò rỉ nhưng cuối cùng máy đã bị hủy phát triển
Các tin rò rỉ có thể giúp cho việc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất với nhau. "Nếu tôi rò rỉ về một linh kiện nào đó của Apple có tầm quan trọng với sản phẩm của hãng và cộng đồng phản hồi tối, tôi đã tạo ra áp lực dành cho các đối thủ của Apple", Dickson cho biết. "Các đối thủ khi đó phải làm việc cật lực hơn để chống lại áp lực này, đồng thời tạo ra một sức hút cho riêng mình". Theo thời gian, sự cạnh tranh sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm tốt hơn, người dùng cảm thấy hài lòng hơn, đồng thời gia tăng tốc độ ra mắt thiết bị và tính năng mới.
Blass chỉ ra rằng người dùng và các công ty không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng bởi các tin đồn. "Theo tôi, hiệu ứng lớn nhất và cũng là khó chịu nhất mà các tin đồn gây ra chính là cho những người đã tạo ra sản phẩm. Bạn đi làm mỗi ngày, cố gắng giữ bí mật hàng tháng hay thậm chí là cả năm trời để chuẩn bị cho một ngày ra mắt duy nhất, vào một thời khắc duy nhất, là lúc mà sản phẩm đáng lý ra sẽ xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng. Thế rồi các tin rò rỉ đã lấy đi sự diệu kì của những buổi giới thiệu, và chúng làm cho nhóm phải đau khổ chứng kiến kế hoạch tỉ mỉ của mình bị bày ra cho cả thế giới xem từng chút từng chút một".
Kiểm soát thiệt hại
Hồi đầu năm nay, Mat Smith và một phóng viên khác của trang Engadget đã ghé thăm trụ sở một công ty viễn thông Hàn Quốc. Họ buộc phải kí thỏa thuận không được tiết lộ bí mật, và đó là một nói rằng những phóng viên này không được hé răng về những thứ họ thấy hoặc nghe trong buổi hôm đó cho đến một thời hạn nhất định. Lúc họ đi vào các tòa nhà, những thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại, máy ảnh cũng phải để bên ngoài cửa. Danh sách thiết bị cấm tại cơ quan này bao gồm tất cả mọi thứ có khả năng chụp ảnh, ghi âm hoặc ghi và truyền tải dữ liệu. Như vậy, rõ ràng các nhà sản xuất đang rất cố gắng để bảo vệ bí mật thương mại của mình, vậy mà những tin rò rỉ vẫn liên tục xuất hiện về những sản phẩm mà những phóng viên này được xem. Vậy chẳng lẽ không có cách gì để ngăn chặn các tin rò rỉ hay sao?
Ảnh chụp màn hình rò rỉ của HTC Sensation ba năm trước
Câu trả lời dường như là không. Nhiều công ty đã thử đóng dấu chìm trong các ảnh chụp màn hình để có thể truy tìm nguồn gốc thiết bị, ngoài ra họ còn bắt buộc các đối tác kí nhiều thỏa thuận không tiết lộ cũng như đặt sản phẩm trong cách bộ vỏ lớn khi cần phải đem máy ra ngoài thực tế. Hồi tuần trước evleaks đã nghỉ hưu vì lý do cá nhân, nhưng sớm muộn thì cũng sẽ người khác lên thay thế cho anh mà thôi bởi vì thị trường leaker là cực kì cạnh tranh. “Điều đó giống như bạn đặt một ngón tay lên một cái cống. Nhiều tin rò rỉ hơn sẽ xuất hiện”, Hong cho biết. Một người khác, người này yêu cầu giấu tên, thì chia sẻ rằng công ty của anh không thể thiết lập các kế hoạch để đối phó với những tin đồn, họ chỉ đơn giản là phản ứng tùy theo từng tình huống mà thôi.
Thường thì những sản phẩm được quan tâm chính là những thứ rất khó để giữ bí mật. “Càng nhiều người quan tâm đến thông tin, càng nhiều khả năng nó sẽ bị rò rỉ”, Dawson nói. Đợt rò rỉ thông tin càng lớn thì càng có giá trị: Gizmodo bỏ ra khoảng vài nghìn đô la để có được chiếc iPhone 4 bản mẫu bị bỏ quên, và bù lại họ nhận được hàng triệu lượt view của trang. Miễn là thế giới còn quan tâm đến các tin rò rỉ thì sớm muộn gì các chi tiết cũng sẽ xuất hiện”.
Một số quan chức, ví dụ như Chủ tịch bộ phận thiết bị Richard Yu của Huawei, thì nói rằng: “nếu bạn không thể đánh bại họ, hãy tham gia vào chiến lược của họ”. Yu đã cố tình làm rò rỉ những hình ảnh về thiết bị của công ty mình trên Sina Weibo, một mạng xã hội đông người dùng ở Trung Quốc. Ông thậm chí còn nói về các sản phẩm chưa được ra mắt nhiều lần trước công chú. Trong khi đó, một số công ty khác thì cố gắng trừng phạt những người làm rò rỉ thông tin. Taylor Wimberly, cựu biên tập viên cho trang AndroidAndMe, kể rằng anh đã bị Motorola đuổi ra khỏi một cuộc họp báo vì anh đã làm lộ thông tin của chiếc Motorola Droid đời đầu.
Kết
Các công ty sẽ tiếp tục chiếc đấu với tin rò rỉ, nhưng họ sẽ không bao giờ thắng được. Những tin rò rỉ giống như là một thực tế trong cuộc sống số ngày này, thế nên người dùng cứ tiếp tục đón nhận chúng. Câu hỏi thì vẫn còn đó: Trong bối cảnh công nghệ giúp cho việc cắt ghép ảnh trở nên đơn giản và chính xác hơn, làm sao người ta có thể phân biệt các tin đồn giả với những nguồn đáng tin cậy? Dickson nói rằng danh tiếng của một người rò rỉ nào đó sẽ liên quan đến tất cả những gì mà anh ta từng tiết lộ. “Nếu một tin rò rỉ được chứng tỏ là không đúng khi sản phẩm ra mắt, liệu người ta có còn tin vào nguồn rò rỉ đó nữa hay không? Khi tôi rò rỉ một sản phẩm, tôi nói nó cho cả thế giới với sự tự tin cao độ”. Nếu tất cả những người tiết lộ tin đều có một cái đầu thông minh, tương lai của “ngành công nghiệp rò rỉ” có lẽ vẫn còn rất tươi sáng.