5 câu trả lời thú vị của NASA về sứ mạng Curiosity và sao Hỏa
Trước lễ kỷ niệm 1 năm ngày tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity đáp xuống hành tinh đỏ (5/8/2012 - 5/8/2013), nhóm các kỹ sư quản lý sứ mạng đến từ NASA đã tham gia buổi vấn đáp Ask Me Anything trên Reddit. Bên cạnh các thắc mắc liên quan đến sứ mạng và sao Hỏa, nhóm điều hành tàu Curiosity cũng đã phản hồi đến một loạt các bình luận về cách xin cộng tác và làm việc tại NASA, quy trình tuyển chọn v.v… nhưng họ cũng từ chối trả lời rất nhiều câu hỏi về SpaceX, công ty hàng không không gian của Elon Musk. Dưới đây là 5 câu trả lời được xem là thú vị nhất từ nhóm kỹ sư của NASA:
Phát hiện trọng đại nhất từ trước đến nay trên sao Hỏa là gì?
"Các kết quả từ thí nghiệm khoan lấy mẫu đá đầu tiên do Curiosity thực hiện đã nói lên môi trường trong quá khứ của hành tinh đỏ, khi đá mùn được hình thành, nó rất thích hợp cho sự sống. Đá mùn hình thành trong một hệ thống sông cổ hay một lòng hồ khô/ẩm theo chu kỳ có thể cung cấp năng lượng hóa học và các điều kiện thuận lợi khác cho vi khuẩn, nếu sự sống tồn tại sau đó. Môi trường ẩm ướt cổ không mang tính oxi hóa khắc nghiệt, không có tính axit hay muối. Tất cả các thành phần hóa học cần thiết đều có sẵn."
Tại sao chúng ta không tìm thấy bằng chứng của sự sống từ tồn tại trên sao Hỏa trong quá khứ?
"Trong nhiều triệu năm, nước đã bị bốc hơi hết bởi khí quyển của sao Hỏa quá mỏng để giữ cho nước tồn tại ở dạng lỏng. Sao Hỏa không có từ trường toàn cầu như Trái Đất nên nó không thể bảo vệ khí quyển khỏi tình trạng bị thất thoát dần do sự tác động bức xạ của Mặt Trời. Vì vậy, mặc dù có rất nhiều CO2 và H2O đóng băng nhưng không thể có dạng lỏng. Nếu sự sống sinh sôi trên sao Hỏa, điều này có thể xảy ra từ vài triệu hay thậm chí vài tỉ năm trước, và một bằng chứng về sự sống cách đây vài tỉ năm rất khó để đưa ra. Bằng chứng có thể ở đâu đó ngoài kia mà chúng tôi vẫn chưa tìm ra hoặc sự sống đã không tồn tại. Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm!"
Nhóm quản lý chương trình hy vọng sẽ thực hiện được điều gì khi đưa Curiosity lên đỉnh núi Sharp, khu vực trung tâm của của miệng núi lửa Gale nơi tàu đã đáp xuống?
"Chúng tôi vẫn hoài nghi rằng liệu Curiosity có lên được đỉnh Sharp hay không, mặc dù điều này sẽ rất tuyệt vời nếu nó thực hiện được. Những gì chúng tôi thật sự hy vọng là tàu tự hành sẽ leo lên các lớp đá gần sườn thấp của núi Sharp để tìm kiếm các manh mối cho câu hỏi: môi trường trong quá khứ của sao Hỏa như thế nào, điều kiện môi trường đã thay đổi ra sao qua thời gian kể từ khi các lớp đá già xếp dưới làm nền tảng cho đá trẻ."
Những khoảnh khắc nào gây xúc động mạnh nhất khi thực hiện chương trình?
"Đối với chúng tôi khoảnh khắc Curiosity đáp xuống sao Hỏa gây xúc cảm lớn nhất. Tất cả các thành viên của nhóm - những người đã đổ rất nhiều công sức vào sứ mạng đều tập trung lại với nhau, chúng tôi ngồi trên rìa ghế và theo dõi xem 7 phút 'khủng khiếp' (thời gian Curiosity tiếp cận và hạ cánh xuống sao Hỏa) kết thúc như thế nào. Cảm xúc khi chúng tôi nhận được hình ảnh đầu tiên được tàu gởi về cho thấy bánh xe của nó đã chạm đất là một trong những cảm xúc tuyệt vời và to lớn nhất trên thế giới này."
"Vào ngày thứ 200 trên sao Hỏa, chúng tôi nhận được thông báo về một lỗi phần cứng trên tàu khiến phần mềm không hoạt động chính xác. Sau khi xem xét dữ liệu, chúng tôi đã đưa ra quyết định an toàn đó là chuyển sang sử dụng máy tính sao lưu. Chúng tôi thực hiện điều này sớm nhất có thể bằng cách sử dụng một trạm thiên văn tại Madrid và gởi các lệnh phần cứng, bỏ qua phần mềm để chuyển đổi máy tính. Sau đó, chúng tôi phải ngồi đợi trong khoảng 30 phút để nhận được tín hiệu từ Curiosity thông báo mọi thứ đã ổn. Cuối cùng thì mọi thứ đều thành công tốt đẹp."
Thứ lớn nhất mà nhóm mong muốn tìm thấy trên sao Hỏa?
"Có rất nhiều thứ to lớn trên sao Hỏa, chẳng hạn như các hẻm núi dài và các núi lửa đã tắt. Nếu ý của bạn là thứ quan trọng nhất mà chúng tôi muốn tìm thì dĩ nhiên, chúng tôi muốn biết liệu sự sống có từng sinh sôi trên hành tinh này hay tại một nơi nào khác trong hệ mặt trời và vũ trụ bao la."