Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Cortana trên Windows Phone 8.1 có thể làm được gì?

Cortana.
Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Windows Phone 8.1 đó là Cortana, tính năng trợ lý ảo cá nhân có khả năng đề xuất thông tin theo ngữ cảnh và hỗ trợ tương tác bằng giọng nói. Nếu bạn chưa biết thì Cortana cũng là tên một nhân vật trí tuệ nhân tạo trong loạt game Halo của Microsoft, giờ thì "cô ấy" đã được mang lên Windows Phone để phục vụ chúng ta ngoài đời thực. Cortana sẽ thay thế cho tính năng Bing Search mặc định khi chúng ta nhấn vào nút tìm kiếm trên máy, ngoài ra bạn cũng có thể khởi chạy "cô ấy" từ danh sách ứng dụng hoặc màn hình Start như bao app khác. Và trong bài viết này mình xin chia sẻ với anh em những gì Cortana có thể làm được.

Lưu ý: Cortana hiện vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm (beta) và chỉ mới cho người dùng Mỹ sử dụng. Tuy nhiên, anh em ở Việt Nam vẫn có thể kích hoạt Cortana. Mời anh em vào bài viết này để xem hướng dẫn.

Video

1. Tính năng thông minh

Như đã nói ở trên, Cortana là một người trợ lý ảo của bạn, do đó nó có thể được bạn đang cần gì, muốn gì để có thể phục vụ một cách tốt nhất. Cortana sẽ tự động học hỏi hành vi sử dụng máy của bạn, những địa điểm bạn thường ghé thăm, những người quen biết, thậm chí là cả vị trí địa lý hiện tại của bạn nhằm đưa ra những thông tin phù hợp nhất theo từng ngữ cảnh và thời điểm khác nhau. Tất cả mọi thông tin về chủ sở hữu máy đều được Cortana lưu trong một khu vực gọi là Notebook và bạn có thể tùy biến những thông tin nào Cortana được phép truy cập. Phần Notebook này mình sẽ nói sau.

Thong_minh.

Ngay khi chạy Cortana, chỉ với một thao tác trượt ngón tay hướng lên là chúng ta sẽ thấy hết những thông tin được đề xuất. Vào buổi sáng khi bạn mở Cortana thì "cô ấy" sẽ cho bạn biết thời tiết hiện tại như thế nào, có nắng, mưa hay không và nhiệt độ là bao nhiêu. Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của một số tin tức mới lấy từ dịch vụ Bing News. Đến giờ đi làm, Cortana chuyển sang hiển thị thông tin chỉ đường từ nhà đến cơ quan, lịch hẹn của bạn trong ngày cũng như những nhắc nhở bạn đã thiết lập từ trước. Nếu Cortana biết bạn yêu thích một môn thể thao nào đó thì cô ấy sẽ hiển thị kết quả của trận đấu cho bạn xem.

Nói cách khác, tất cả mọi thông tin mà Cortana nghĩ là quan trọng và cần thiết đối với bạn sẽ được tự động đưa ra cho bạn xem, bạn không phải truy cập vào từng ứng dụng đơn lẻ để làm việc đó. Tính năng này tương tự như những gì Google Now có thể làm được, cũng là theo dõi vị trí và thời gian để đưa ra đề xuất phù hợp, cũng là liên kết với các dịch vụ bên ngoài nhằm hiển thị thông tin bổ sung.

Như đã nói ở trên, Cortana hiện chỉ mới ở giai đoạn beta nên lượng thông tin được đẩy ra còn khá hạn chế. Ngoài ra, dữ liệu thời tiết vẫn chưa được tự chuyển sang độ C, trong khi mình đã thiết lập cho Bing Weather hiển thị theo đơn vị này. Có lẽ trong thời gian tới Microsoft sẽ hoàn chỉnh "cô trợ lý" này để nó phục vụ chúng ta tốt hơn.

2. Tương tác giọng nói và tìm kiếm

Thực chất thì khả năng sử dụng giọng nói để điều khiển thiết bị đã có từ Windows Phone 8 nhưng nó rất hạn chế, còn với Cortana thì Microsoft đã nâng tính năng này lên một tầm cao mới. Trước hết, Cortana có thể nhận lệnh bằng ngôn ngữ thông thường, tức là bạn không cần phải học thuộc cấu trúc lệnh mà có thể nói như một cuộc hội thoại giữa người với người. Tất nhiên là chúng ta phải dùng tiếng Anh để giao tiếp với Cortana chứ ở thời điểm hiện tại thì cô ấy chưa hiểu được tiếng Việt.

Điều mình rất thích ở Cortana đó là bạn có thể "dạy" cho cô ấy đọc tên của mình, không như Siri chỉ dựa theo từ điển có sẵn của Apple. Ví dụ, mình cài đặt tên Luân thì mình có thể nói Cortana phát âm chữ này gần giống với từ "Lung", còn với Siri thì tên mình nghe rất buồn cười. Tính năng này tuy nhỏ nhưng nó cho thấy khả năng linh hoạt của Cortana và ai biết được trong tương lai cô ấy có thể làm được gì nữa.

Vậy bạn có thể nói gì với Cortana? Rất nhiều thứ, từ những nội dung nói chuyện vu vơ cho đến ra lệnh điều khiển hệ thống. Bạn có thể nói "I Love You" (tôi yêu bạn) hay "How are you" (bạn có khỏe không) với Cortana, và bạn cũng có thể nói "Text Dad I will be home late" (nhắn tin cho bố của tôi rằng tôi sẽ về nhà trở) hay "Open Brightness settings" (mở tùy chọn chỉnh độ sáng màn hình). Trong một số tình huống, ví dụ như khi mình nói " I Love You" chẳng hạn, Cortana trả lời lại một cách hài hước: "Tôi cá là bạn nói điều đó với nhiều cái điện thoại khác nữa phải không".

Dieu_khien.
Chưa dừng lại ở đó, Cortana cũng đủ thông minh để thực hiện cuộc gọi điện thoại, gọi Skype, hẹn báo thức, hẹn nhắc nhở, đặt sự kiện lịch, thậm chí là nghe một giai điệu và dò xem đó là bài hát nào. Nếu một thông tin đầu vào chưa rõ, chẳng hạn như bạn nói nhắn tin nhưng không đề cập đến người nhận, Cortana sẽ hỏi ngược lại bạn.

Bạn cũng có thể đặt những câu hỏi truy vấn dạng "How old is Taylor Swift?" (ca sĩ Taylor Swift hiện giờ bao nhiêu tuổi) hoặc "What is the population of Vietnam?", khi đó Cortana sẽ đi lên mạng, tìm kiếm rồi trả về thông tin cho bạn cũng bằng giọng nói. Ngay bên dưới kết quả trả về còn có những thông tin liên quan khác tương tự như khi bạn sử dụng Bing Search để giúp chúng ta tiếp tục tìm hiểu thêm về vấn đề mà không phải thoát Cortana, vào trình duyệt rồi tìm kiếm lại lần nữa.

Truy_van.

Không dừng lại ở đó, Cortana còn hỗ trợ tìm kiếm nhiều loại nội dung khác nhau trong điện thoại. Ví dụ, khi mình nói (hoặc gõ tay) chữ "Taylor Swift", Cortana sẽ tự động tìm những nội dung nào có chứ từ khóa này và kết quả là album nhạc của Taylor Swift đang lưu trong thẻ nhớ sẽ hiện diện trong thẻ "Phone". Tại đây bạn cũng có thể tìm kiếm danh bạ, trang web đã bookmark và nhiều loại nội dung khác. Bạn có thể tưởng tượng Cortana giống như một cái hub, khi bạn cần thông tin gì thì cứ truy vấn và sẽ nhận được câu trả lời.

3. Notebook

Đây là nơi mà Cortana lưu hết những thông tin về cá nhân bạn, đúng nghĩa là một quyển sổ của thư ký. Mục "Interest" là nơi liệt kê các thứ bạn quan tâm như ngày giờ, tình trạng đường xá, tin tức, lịch hẹn... Nếu không thích Cortana hiển thị thông tin nào thì chúng ta hoàn toàn có thể tắt đi. Trong khi đó, mục "Remind me" là nơi lưu lại những nhắc nhở bạn đã nói với Cortana trước đó, còn mục "Quiet Hours" sẽ cho phép bạn thiết lập giờ giấc để Cortana tự động tắt thông báo hệ thống (ví dụ như khi vào họp, khi đi ngủ). Bạn cũng có thể cài đặt một số người quan trọng ("Inner Circle") để Cortana biết và thông báo về cuộc gọi, tin nhắn của họ ngay cả trong Quiet Hours. Ngoài ra còn có "Places" - nơi lưu giữ những thông tin về các địa điểm quan trọng và phần cài đặt chung cho việc hoạt động của Cortana.

Notebook.

Vậy vì sao Notebook lại xuất hiện? Trước hết, Microsoft muốn đảm bảo rằng hãng không vi phạm quyền riêng tư của mỗi người. Chính bản thân người dùng sẽ quyết định xem Cortana có thể đọc thông tin gì và có thể làm gì. Thứ hai, Notebook là một nơi để chúng ta kiểm soát những thông tin mà Cortana đã và sẽ ghi nhận, đồng thời cung cấp khả năng can thiệp vào những thông tin đó. Ví dụ, nếu không thích ra lệnh bằng giọng nói để đặt nhắc nhở thì bạn hoàn toàn có thể vào phần "Remind me" để thêm thủ công bằng cách nhập liệu từ bàn phím hoặc chỉnh sửa lại nhắc nhở từ trước. Tương tự cho Quiet Hours hay Inner Circle.

Nhìn chung, Cortana là một tính năng rất hay và thông minh, một phần bổ sung đáng giá cho Windows Phone. Hơi tiếc một chút là cô ấy chỉ mới có mặt ở Mỹ và chưa hỗ trợ tiếng Việt nên nếu bạn muốn dùng nó ở thời điểm hiện tại thì phải chịu khó nói bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, tiềm năng của Cortana thật sự rất lớn bởi Microsoft cho phép lập trình viên bên thứ ba tích hợp ứng dụng của mình vào tính năng này chứ không chỉ giới hạn những tính năng mà mình đã nói ở trên. Chúng hãy chờ xem trong tương lai Cortana có thể làm được gì nữa nhé.