Đại học Washington phục hồi tim khỉ bị tổn thương bằng tế bào gốc phôi
người
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại đại học Washington đã phục hồi thành công các mô tổn thương trong tim khỉ bằng các tế bào được tạo ra từ tế bào gốc phôi của người. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc chữa trị bệnh tim mạch và nghiên cứu cũng chứng minh khả năng tái tạo các tế bào tim ở tỉ lệ chưa từng có và mang lại tiềm năng phục hồi chức năng cho tim người bị tổn thương.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá nhiều cách để phục hồi tim bị tổn thương sau cơn nhồi máu cơ tim - một dạng đau tim rất phổ biến làm tắt nghẽn các động mạch chính và ngăn oxy truyền đến các cơ tim. Thiếu oxy, mô cơ bị hư hại và ảnh hưởng đến khả năng co bóp bơm máu cho tim. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tại đại học Washington đã nhắm đến mục tiêu phục hồi chức năng toàn diện cho những quả tim bị tổn thương bằng các tế bào được sản xuất từ tế bào gốc phôi của người.
Bác sĩ Charles Murry - giáo sư bệnh lý, kỹ thuật sinh học và y khoa tại đại học Washington kiêm lãnh đạo nhóm nghiên cứu cho biết: "Trước nghiên cứu này, chúng tôi vẫn không biết được rằng liệu có thể tạo ra một số lượng tế bào cần thiết và sử dụng chúng để tái tạo cơ thành công cho các quả tim bị tổn thương trên một loài động vật lớn với kích thước tim và đặc điểm sinh lý tương tự tim người hay không."
Trong quá trình thử nghiệm phương pháp, các nhà nghiên cứu đã tiến hành gây mê các chú khỉ đuôi lợn (Pigtail macaque) và gây nhồi máu cơ tim có kiểm soát kéo dài trong 90 phút đồng thời tạo ra một mô hình máy tính để nghiên cứu tác động nhồi máu cơ tim. 2 tuần sau, nhóm nghiên cứu tiêm 1 tỉ tế bào tim vào các cơ bị tổn thương, số lượng tế bào này nhiều gấp 10 lần so với lần tái tạo mà nhóm nghiên cứu thực hiện trước đây. Qua vài tuần, các tế bào được tiêm đã xâm nhập vào các mô bị tổn thương, phát triển để hình thành các sợi cơ mới và đập theo nhịp với tim. 3 tháng sau khi được tiêm, các tế bào đã tương tích hoàn toàn với các mô cũ.
Tế bào trưởng thành hình thành các sợi cơ mới sau vài tuần.
"Các kết quả cho thấy chúng tôi giờ đây có thể tạo ra một số lượng tế bào cần thiết để chữa trị trên người và tái tạo các cơ tim mới trên một tỉ lệ phù hợp nhằm cải thiện chức năng của tim người," bác sĩ Michael Laflamme - phó giáo sư bệnh lý tại đại học Washington cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, các tế bào gốc được tiêm vào khỉ có thể tái tạo 40% các mô tim bị tổn thương, mặc dù vậy, họ cũng quan sát được một vài tác dụng phụ. Trong những tuần đầu tiên sau khi được đưa vào tim, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy nhịp tim khỉ đập không đều hay hội chứng loạn nhịp tim. Tuy nhiên, hiện tượng này giảm dần sau 2 đến 3 tuần khi các tế bào đã trưởng thành và bắt đầu ổn định hơn.
Từ đây, các nhà nghiên cứu sẽ tìm cách giảm nguy cơ loạn nhịp tim và chứng minh được các tế bào về cơ bản có thể cải thiện chức năng của một quả tim bị thương tổn. Họ hy vọng phương pháp trên sẽ sớm được thử nghiệm lâm sàng trên người trong vòng 4 năm tới. Báo cáo nghiên cứu của đại học Washington hiện đã được đăng tải trên tạp chí Nature.