Steve Ballmer nói về Microsoft, về Apple mua lại Siri và Facebook mua
lại Whatsapp, Instagram
Vài tháng trước, Steve Ballmer, cựu giám đốc điều hành Microsoft đã có một buổi thảo luận với những thành viên của đại học Oxford trong khuôn khổ The Oxford Union, một trong những hội thảo nổi tiếng nhất thế giới (từ năm 1823). Mãi đến thời điểm này thì nội dung của buổi thảo luận mới được ra mắt công chúng, nó hé lộ những thông tin khá thú vị về Microsoft cũng như góc nhìn của vị cựu CEO với các công ty đối thủ. Được biết The Oxford Union là buổi thảo luận đầu tiên của Steve Ballmer khi ông rời khỏi Microsoft, dự kiến Ballmer sẽ phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các sinh viên đại học University Of Washington vào tháng tới.
Mở đầu The Oxford Union, Ballmer nói đù rằng ông khá bối rối, đây có thể là một trong những buổi nói chuyện lớn nhất của cuộc đời ông. Ballmer có chia sẻ về việc ông đã làm ở Microsoft tới 34 năm, từ khi công ty này vẫn còn là một start-up non trẻ cho đến khi trở thành tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới như hiện tại.
Có một thông tin rất thú vị mà Ballmer nói đến là ông ví Microsoft như một công ty 2 vũ khí (two-trick pony). Có một số công ty thành công chỉ với một vũ khí và hoàn thành nó thật sự xuất sắc như như Coca-cola, họ sáng tạo ra một thứ nước giải khát và thu được lợi nhuận trong hàng thập kỷ chỉ với loại nước đó. Thế nhưng theo Ballmer, phương thức tương tự không thể thực hiện với ngành công nghệ, “trong rất nhiều ngành khác nhau, nếu bạn không có vũ khí thứ 2, bạn sẽ phá sản”.
Với Ballmer, vũ khí thứ nhất của Microsoft là tạo nên máy tính cá nhân cho tất cả mọi người, vũ khí thứ 2 là phối hợp với IBM để tìm ra cách ứng dụng vi xử lý vào trong cuộc việc. Nói về Apple, Ballmer cho rằng họ cũng là một công ty two-trick pony với máy tính Macintosh và sau đó là điện toán di động. Ballmer thậm chí còn đi xa hơn nữa khi cho biết Microsoft có thể sẽ còn một vũ khí thứ 3 nữa: ông rất hứng thú với điện toán đám mây, thiết bị phần cứng hay kết hợp năng lực xử lý của các máy tính siêu mạnh để học các thông tin thu được của dữ liệu lớn (big data), qua đó trở thành những thứ kiểu như trợ lý kỹ thuật số (virtual digital assistants).
Nói về các thương vụ thâu tóm gần đây, Ballmer nói rằng có 2 kiểu mua lại điển hình là mua lại nhằm lấy công nghệ như Microsoft/Apple mua lại những công ty nhỏ hoặc mua lại để lấy người dùng như Facebook mua Whatsapp và Instagram. Rõ ràng là Facebook không cần công nghệ của 2 công ty trên mà họ cần lượng người dùng khổng lồ của nó. Apple khi mua lại Siri, họ đã đóng toàn bộ các kế hoạch của công ty này và chuyển nó về trong các dự án Apple. Facebook lại đi theo cách khác, cố gắng duy trì những gì mà Whatsapp và Instagram đang làm. Ballmer nhấn mạnh nếu nhân viên công ty cũ không muốn làm việc cho công ty mới thì tốt nhất không nên mua lại công ty đó. Một công ty bị mua lại cần phải hợp nhất với công ty mới, chúng ta không thể duy trì hơn vài chục văn hóa của vài chục công ty con khác nhau trong một tập đoàn lớn.
Ballmer cũng đã chia sẻ về việc Microsoft từng đưa ra lời đề nghị mua lại Facebook nhưng Mark đã từ chối vì anh hình dung Facebook sẽ trở thành một thứ lớn hơn rất nhiều, tương tự như việc Gates từ chối bán Microsoft với giá gần 20 triệu đô la Mỹ vào năm 1979.
Đoạn video Ballmer nói về việc mua lại các công ty, bạn có thể xem toàn bộ video ở liên kết nguồn bài viết