Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Lịch sử phát triển của công cụ tìm kiếm Google.com

Lich_su_google.

"Sắp xếp lại thông tin trên toàn thế giới, giúp chúng có thể truy cập được ở mọi nơi và trở nên hữu ích".
Đây là một trong những mục đích chính do Larry Page và Sergey Brin đặt ra khi họ lần đầu tiên ra mắt Google hồi ngày 4/9/1998 dưới hình thức một công ty tư nhân. Kể từ đó, Google đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình, lấn sân sang mảng hệ điều hành di động, cung cấp dịch vụ bản đồ, các ứng dụng điện toán đám mây, ra mắt phần cứng của riêng mình và bây giờ hãng đang chuẩn bị bước vào thị trường thiết bị đeo được. Tuy nhiên, dù có đa dạng và phong phú đến đâu thì những sản phẩm này đều hướng đến một thứ duy nhất, cũng chính là gốc rễ của Google: tìm kiếm trực tuyến.

1998 - 2001: Tập trung vào tìm kiếm

Trong những năm đầu xuất hiện, Google.com chỉ đơn thuần là một công cụ tìm kiếm với hình ảnh cực kì mang tính biểu tượng: logo Google nhiều màu sắc, một hộp nhập văn bản dài nằm giữa màn hình, một nút thực thi việc tìm kiếm và nút còn lại là "I'm feeling lucky" để dẫn người dùng đến một trang web ngẫu nhiên cũng thuộc Google.

Google_1998.
Trang web của Google năm 1998

Google_1999.
Traang web của Google năm 1999, đã đơn giản hơn

Có một sự thật ít người biết đó là trang web nguyên thủy của Google sở hữu thiết kế cực kì đơn giản bởi vì hai nhà sáng lập này không quen dùng HTML. Lúc đó, Page và Brin đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Standford và Google chính là dự án của hai vị này, do đó tên miền của website khi ấy có dạng google.stanford.edu. Đến ngày 15/9/1997 thì tên miền google.com mới được đăng kí, còn trước đó bộ nguồn tìm kiếm được chạy trên server của trường với tên gọi BackRub. Page và Brin đã thành lập công ty trong một nhà kho tại California. Craig Silverstein, người bạn học cùng với hai đồng sáng lập, là nhân viên đầu tiên được Google tuyển dụng.

Bản thân chữ "Google" cũng có một câu chuyện thú vị, đó là nó bắt nguồn từ chữ "googol" nhưng bị viết sai (Google thì vẫn nói là họ đang chơi chữ mà thôi). "googol" dùng để chỉ con số bắt đầu bằng 1 và theo sau là một trăm số không. Ý định của Page và Brin khi sử dụng thương hiệu này là nhằm đề cao mục đích tạo ra một công cụ tìm kiếm với quy mô cực kì lớn.

Đến tháng 5/2000, Google bổ sung thêm 10 ngôn ngữ khác cho Google.com, bao gồm tiếng Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch. Đây là một trong những cột mốc quan trọng trong chặng đường Google tiến ra thế giới. Hiện tại Google.com đã có cho hơn 150 ngôn ngữ. Hãng cũng gỡ mác beta cho sản phẩm của mình trong năm này.

2001 - 2007: Giao diện thẻ

Như tấm ảnh bên trên, bạn có thể thấy rằng trang web Google giờ đây phức tạp hơn một chút và nó có các thẻ như Web, Images, Groups và Directory. Mỗi một mục như thế nằm trong một thẻ khác nhau và được bố trí ngay bên trên hộp nhập liệu để việc tìm kiếm của người dùng được dễ dàng hơn. Trong những năm sau đó vị trí của các tab có thể thay đổi chỗ này chỗ khác nhưng ban đầu thì tất cả đều nằm bên dưới logo Google.

Google_2003.

Có một sự kiện rất quan trọng với Google diễn ra trong khoảng thời gian này, đó là việc hãng mở bán cổ phiếu ra công chúng (IPO). Hồi tháng 10/2003, Microsoft đã nghe được tin tức về việc IPO, thế nên hãng nhanh chóng tiếp cận với Google để bàn luận về một thương vụ mua lại hoặc hợp tác kinh doanh nhưng ý định đó đã không thành hiện thực.

Đến tháng 1/2004, Google tuyên bố thuê Morgan Stanley và Goldman Sachs Group để chuẩn bị cho thời điểm mở bán và tới tháng 9 cùng năm, kì IPO của Google đã chính thức diễn ra. Có tổng cộng 19.605.052 cổ phiếu được giao diện với giá 85$ một cổ phiếu và chúng đã mang về cho Google 1,67 tỉ USD. Tại thời điểm đó, giá trị thị trường của công ty vượt trên mức 23 tỉ USD. Do có nhiều cổ phiếu thuộc sở hữu của nhân viên Google nên ngay lập tức nhiều người đã trở thành triệu phú, ít nhất là trên giấy tờ. Yahoo, một đối thủ trực tiếp của hãng, cũng được hưởng lợi từ kì IPO bởi Yahoo sở hữu 2,7 triệu cổ phiếu của Google.

Năm 2004 cũng là thời điểm mà Google nắm thị phần tìm kiếm lên đến 84,7% tính trên toàn cầu thông qua việc hợp tác với những công ty Internet lớn như Yahoo, AOL, CNN. Đến tháng 2/2004, Yahoo ngừng bắt tay với Google và đứng ra lập công cụ tìm kiếm riêng của họ. Điều này khiến Google mất đi một ít thị phần, tuy nhiên nó đã cho thấy sự quan trọng và tính khác biệt của Google. Ngày nay cụm từ "google" đã được sử dụng như một động từ chỉ việc truy cập vào Google.com và thực hiện việc tìm kiếm online.

2006 - 2007: Giao diện thẻ tiếp tục được mở rộng

Không dừng lại ở trang chủ tìm kiếm, giao diện thẻ của Google bắt đầu được mang sang Gmail và Calendar với những đường link nằm ở đầu trang web. Bản thân trang chủ của Google cũng tiếp tục sử dụng phong cách này.

Trong năm 2006 Google cũng đã thực hiện một thương vụ quan trọng để mua lại YouTube với giá 1,65 tỉ USD. Tuy nhiên, hãng quyết định giữ YouTube như một thương hiệu riêng biệt chứ không gộp chung vào dịch vụ tìm kiếm Google Video. Nhờ sự chống lưng của một gã khổng lồ trong ngành Internet mà YouTube đã phát triển trở thành dịch vụ chia sẻ video online lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.

2007 - 2011: Thanh điều hướng xuất hiện

Ngay trong năm 2007, Google bắt đầu cho triển khai thanh điều hướng mới nằm ở cạnh trên màn hình. Nó bao gồm các đường link dẫn đến nơi tìm kiếm hình ảnh, video, tin tức, bản đồ cũng như những nút chuyển sang Gmail, Calendar cũng các dịch vụ khác do công ty phát triển. Logo Google, hộp tìm kiếm, nút Google Search được trả lại đúng với thiết kế nguyên thủy của chúng, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả cao.

Google_NavigationBar.

Ở giai đoạn này, nhiều người đã không hài lòng vì thanh điều hướng đã thay thế cho giao diện thẻ. Họ cho rằng kiểu thẻ thì dễ sử dụng hơn và nó nằm gần với hộp nhập liệu hơn. Nhưng dù muốn dù không thì họ vẫn phải chấp nhận thiết kế mới nếu muốn tiếp tục sử dụng Google trong suốt 4 năm sau đó.

2011: Google Menu

Trong nỗ lực dọn dẹp lại thanh điều hướng, Google đã sử dụng một loạt các icon nằm ẩn trong chữ Google nằm ở góc trên trái của trang tìm kiếm. Chỉ khi nào người dùng nhấn vào đây thì menu mới sổ xuống nên trang chủ của hãng trông rất gọn gàng và đẹp mắt. Ở góc trên bên trái thì Google bổ sung thêm một ô hiển thị các thông báo của Google+ và hình ảnh đại diện cho tài khoản người dùng.

Google_menu.

2012: Google Now

Cùng với việc giới thiệu Android 4.1 Jelly Bean, Google đã giới thiệu một phương thức tìm kiếm hoàn toàn mới dành cho các thiết bị di động chạy nền tảng của hãng: Google Now. Hệ thống này có giao diện dạng thẻ (card) rất lạ nhưng cũng vô cùng tiện dụng. Mỗi một mẫu thông tin sẽ chứa trong các thẻ khác nhau, người dùng có thể tương tác với chúng bằng cách nhấn vào để mở app tương ứng hoặc để xem thêm thông tin.

Use_GoogleNow.

Vậy tại sao Now lại có liên quan đến việc tìm kiếm? Thực chất thì Now sẽ theo dõi các dữ liệu ngữ cảnh của người dùng, bao gồm vị trí địa lý, thời điểm trong ngày, thói quen di chuyển, địa chỉ nhà, địa chỉ cơ quan và một số loại thông tin khác. Dựa vào đó, Google sẽ tự động thực hiện việc tìm kiếm và trả về kết quả tương ứng với từng ngữ cảnh khác nhau. Ví dụ, vào lúc 7 giờ sáng, Now sẽ hiển thị thông tin thời tiết trong ngày. Đến 8 giờ, Now sẽ tìm kiếm đường đi từ nhà của bạn đến cơ quan, còn đến 5 giờ chiều thì tìm theo hướng ngược lại. Bên cạnh đó, Now còn hỗ trợ rất nhiều loại nội dung khác như thông tin chuyến bay, điểm số của các trận thể thao, đề xuất món ăn ngon, địa điểm du lịch đẹp, công cụ chuyển đổi tiền tệ (khi bạn đi ra nước ngoài)...

Giờ đây Google Now không chỉ xuất hiện trên Android và nó còn được mang lên Chrome trên máy tính cũng như iOS. Tất cả đều có nguyên lý hoạt động tương tự như nhau, và giao diện card vẫn xuất hiện như bên Android.

2013 - 2014: Đơn giản hóa giao diện

Kể từ đó đến nay trang chủ của Google cũng không có nhiều sự chuyển biến, nhưng trong giai đoạn cuối năm 2013, đầu năm 2014 thanh điều hướng của Google.com một lần nữa được thay đổi. Đến lúc này Google di chuyển hết tất cả mọi icon dẫn đến các ứng dụng, dịch vụ khác của hãng vào một nút App Drawer nằm ở góc trên bên phải màn hình. Biểu tượng thông báo được cải tiến lại cho hài hòa hơn. Ngoài ra Google.com cũng đã hỗ trợ tìm kiếm bằng giọng nói tốt hơn thông qua trình duyệt Chrome (nếu bạn chưa biết thì Google nhận được tiếng Việt luôn đấy, và còn nhận diện rất tốt nữa).

Google_2014.

Một số điểm thú vị khác liên quan đến Google.com

Google Doodle

Doodle là những logo Google được vẽ lại theo chủ đề của những sự kiện quan trọng xảy ra trên toàn thế giới. Khi đến một dịp kỉ niệm hoặc ngày lễ, logo đặc biệt này sẽ thay thế cho chữ Google mặc định khi bạn truy cập vào trang chủ của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới. Kể từ khi nhà đồng sáng lập Sergey Brin vẽ ra phiên bản logo Google để kỉ niệm tuần lễ Burning Man vào năm 1998, Doodles đã trở thành một phần quan trọng được nhắc đến và cũng được xem bởi hàng triệu người dùng.

Google_Doodle.

Nhóm thiết kế Doodle thực chất khá nhỏ bé so với quy mô của Google, chỉ bao gồm 10 họa sĩ + 4 lập trình viên + 2 quản lý dự án, tuy nhiên chỉ trong năm ngoái họ đã tạo ra được 350 kiểu logo Doodle. Ryan Germick, một trong hai người lãnh đạo nhóm, cho biết: "Nhóm Doodle rất nhỏ nhưng nguồn lực của chúng tôi là huyền thoại", đồng thời mô tả đội ngũ của ông là "một lực lượng lao động được công ty yêu quý.. Chúng tôi có cả tá tình nguyện viên và cộng tác viên, ngoài ra còn có những người giúp chúng tôi trong việc dịch thuật và đề xuất ý tưởng cho các Doodles trên toàn thế giới".

Bạn có thể đọc thêm về công việc của những người làm ra các Doodle này tại bài viết Câu chuyện về Google Doodle và những con người thích sáng tạo.

Nhắm đến thiết bị di động

"Bạn không cần phải ngồi ở bàn làm việc của mình để có được câu trả lời", đó là một trong những điều mà Google đã phát biểu. Thật vậy, hiện giờ đang là kỉ nguyên của thiết bị di động, và người ta ra đường thì luôn mang theo một cái smartphone hoặc tablet bên mình. Vậy tại sao họ lại phải mất công chạy về nhà hay văn phòng chỉ để tìm kiếm một thứ gì đó? Vì sao không sử dụng ngay thiết bị di động và truy cập vào Google?

Use_Mobile.

Google biết rất rõ điều này, thế nên hãng đã cải tiến công cụ tìm kiếm của mình để khai thác triệt để sức mạnh của điện toán mobile. Google từ lâu đã ra mắt ứng dụng Google Search dành cho nhiều nền tảng khác nhau. Ngay cả trang web google.com cũng được tối ưu hóa giao diện cho thao tác cảm ứng. Người dùng Android thì có thêm một hộp thoại tìm kiếm ngay trên homescreen để tìm không chỉ trên Internet mà còn tìm các dữ liệu chứa trong điện thoại nữa.

Nói tóm lại, mọi sản phẩm của Google, dù là phần cứng hay phần mềm, đều được nhắm đến mục đích là cải thiện trải nghiệm tìm kiếm và thu thập thông tin của người dùng. Từ những chiếc máy Nexus cho đến Google Glass, tất cả đều được tạo ra nhằm mục đích hỗ trợ cho việc tìm kiếm của Google. Và trong tương lai, dường như xu hướng này sẽ tiếp tục cho dù Google có ra một sản phẩm mới quái lạ đến mức nào đi chăng nữa.

Nguồn: Engadget, Google, Wikipedia