Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Việc sản xuất sapphire của Apple sẽ rất khó để sao chép?

Apple_sapphire.
Mặc dù có nhiều trong tự nhiên và xuất hiện trong các sản phẩm thường ngày nhưng mãi đến vài năm trước nhôm mới dần xuất hiện phổ biến trên các thiết bị điện tử tiêu dùng. Chúng ta có MacBook làm bằng nhôm nguyên khối, sau đó là điện thoại nhôm, ổ cứng di động vỏ nhôm, pin dự phòng vỏ nhôm và thậm chí là camera nhôm. Vậy tại sao mọi chuyện lại diễn ra như thế? Và liệu Apple có lặp lại một lần nữa hiện tượng này với sapphire hay không?

Thời điểm quan trọng mà nhôm bắt đầu được sử dụng cho các sản phẩm công nghệ đó là vào tháng 10 năm 2008. "Chúng tôi đã làm việc cực kì vất vả trong việc thử thiết kế một bộ vỏ nguyên khối mới", Jony Ive - trưởng bộ phận thiết kế của Apple, nói trong sự kiện "Spotlight on Notebooks" gần sáu năm về trước. Điều Apple đã làm đó là lấy bộ khung nhôm được tiện bằng máy của chiếc MacBook Air rồi áp dụng cho các máy MacBook và MacBook Pro. Tại thời điểm đó, máy CNC (computer numerically controlled) chưa được sử dụng như một giải pháp sản xuất hàng loạt trong thế giới công nghệ, và Apple đã biến thứ không phổ biến thành phổ biến.

Video giới thiệu MacBook năm 2008

Ming-Chi Kuo, một nhà phân tích làm việc cho hãng nghiên cứu KGI Securities, nói rằng "nhôm giờ đây đã rẻ hơn và dễ chế tạo hơn nhờ vào Apple". Ông cùng nhiều nhà phân tích khác nhận định rằng nhu cầu của Apple đã khiến các nhà cung ứng vỏ nhôm đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ cũng như năng suất sản xuất. Tất cả họ đều cạnh tranh nhau và giảm giá để có được sự hài lòng của Apple trong việc cắt gọt, sơn phủ cũng như tái chế một lượng nhôm khổng lồ.

"Mười năm trước, bạn sẽ không thể tìm thấy một ai sử dụng điện thoại được thiết kế hoàn toàn từ nhôm, ngay cả khi bạn có đủ tiền để mua nó", Scott Croyle - cựu nhân viên HTC và cũng là người dẫn đầu nhóm thiết kế ra dòng HTC One - chia sẻ. Chiếc Motorola Razr đời đầu cũng có dùng nhôm, nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ chứ không phải cả một chiếc điện thoại. Mãi đến năm 2010 thì chúng ta mới thấy được chiếc điện thoại nhôm nguyên khối đầu tiên xuất hiện, đó chính là HTC Legend. Nokia và Apple tiếp tục xu hướng này với chiếc N8 và iPhone 5, ngoài ra nhiều nhà sản xuất khác cũng bắt đầu chú ý đến vỏ nhôm cho các sản phẩm của mình.

Joeske Schellen, trưởng bộ phận màu và vật liệu của Nokia, lặp lại lời của Croyle về "một cuộc cách mạng sản xuất" trong một thập kỉ qua khi mà các phương pháp chế tạo như gọt và ép nhôm ngày càng trở nên phổ biến và hoàn toàn có thể sản xuất với số lượng lớn. Tất nhiên là để một chiếc điện thoại làm từ kim loại có thể hoạt động tốt thì cần rất nhiều kĩ sư từ các lĩnh vực khác nhau - nhất là những người chịu trách nhiệm về việc thu nhận sóng không dây - nhưng Croyle nhấn mạnh rằng các công ty nhỏ thì không có đủ tiềm lực để "sáng tạo lại một chuỗi cung ứng hoàn toàn mới xoay quanh vật liệu" như những gì Apple đã làm.

Tất nhiên, cả Nokia và HTC đều không trực tiếp thừa nhận đóng góp của Apple trong việc sản xuất thiết bị điện tử vỏ nhôm, bởi họ là đối thủ cạnh tranh của nhau. Còn Hiệp hội các nhà sản xuất nhôm tại Mỹ (American Aluminum Association) thì thoải mái hơn. Bạn có thể thử truy cập vào trang aluminum.org, cuộn xuống một chút và sẽ thấy ngay dòng "Cảm ơn Steve Jobs", theo sau là "người đàn ông làm cho nhôm trở nên tuyệt vời một lần nữa". Nói cách khác, ảnh hưởng từ những chiếc MacBook ra mắt năm 2008 vẫn còn vang dội đến tận ngày nay.

Nếu muốn tìm một câu chuyển để nói về việc Apple kinh doanh thì chuyện vỏ nhôm nguyên khối là một thứ đáng nói đến. Một khi công ty quyết định sẽ theo đuổi một công nghệ hoặc một phương thức sản xuất nào đó thì dù cho đắt tiền và phức tạp đến đâu, Apple vẫn sẽ kiếm cho bằng được một nhà cung ứng có thể đáp ứng nhu cầu của mình. Nỗ lực này đã làm lợi cho chính Apple cũng như cho cả toàn ngành công nghiệp. Một ví dụ khác cũng có thể thấy đó là ViewSonic đã chọn dùng màn hình của iPad đời đầu cho dòng tablet Android giá rẻ của họ sau khi Apple ngừng kinh doanh mặt hàng này.

110707_Taifun_Body_Porto_cmyk02.
Leica T được làm nguyên khối theo cách mà Apple dùng để làm các sản phẩm của họ

Đó có thể là cách mà Apple thường làm nhiều chuyện khác, nhưng không giống những động thái của công ty với sapphire. Sau khi kí hợp đồng với GT Advanced Technologies vào tháng 11 năm ngoái để sản xuất tinh thể sapphire tại một nhà máy ở Arizona, Apple giờ đây đang dần tiến đến việc tự mình sản xuất chứ không còn đi gia công nữa. Đó là một sự thay đổi lớn trong chiến lược của hãng, nhưng không phải là một điều gì đó quá bí ẩn. Theo một phân tích dựa vào chi tiêu của Apple cho sản xuất, càng ngày Apple càng thu mua nhiều công cụ, máy móc và phương tiện để phục vụ cho việc tạo ra các thiết bị của mình. Việc sở hữu cả một nhà máy thực chất chỉ là một bước chuyển tiếp trên con đường kinh doanh của công ty. Ngoài ra, với việc tự sản xuất các linh kiện và vật liệu quan trọng, Apple cũng có thể giảm được nguy cơ bị các đối thủ khác lấy chính công nghệ của mình để cạnh tranh.

Nhiều điểm khác biệt giữa nhôm và sapphire cũng có thể là động lực để Apple chuyển sang một hướng đi mới. Nếu như nhôm chiếm 8% thành phần Trái Đất và không bị thiếu nguồn cung thì việc có được sapphire phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Frans Spaepen, một nhà vật lý tại Đại học Harvard, nói rằng quy trình để làm ra các cửa sổ sapphire "đã rất trưởng thành và không dễ có một sự thay đổi như những gì đã dẫn đến nhôm giá rẻ".

Hutch Hutchison, trưởng bộ phận thiết kế của Vertu cũng đồng tình với ý kiến này. Ông bổ sung thêm rằng chính những tính chất làm cho sapphire trở nên đặc biệt cũng lại là những rào cản lớn nhất trong việc gia công nó. Nó cực kì cứng và không bị trầy xước, và cũng chính vì thế mà việc cắt, giũa hay đánh bóng một tấm sapphire trở nên phức tạp hơn. Người ta phải dùng đến các công cụ bằng kim cương, loại vật liệu cứng nhất thế giới (kim cương được tính điểm 10 trên thang độ cứng, còn sapphire là 9), mới có thể gia công sapphire. Ở góc nhìn về vật liệu, sapphire hoàn toàn đối nghịch với nhôm vốn dễ dát mỏng và mềm dẻo hơn.

Một phép so sánh tốt hơn cho những gì Hutchison nói đến là sự khác biệt giữa sapphire và titanium. Titanium đã được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ từ lâu, tuy nhiên chi phí cao và quá trình chế tác khó khăn đã khiến loại vật liệu này chỉ xuất hiện trong những thiết bị xa xỉ. Schellen đến từ Nokia nói rằng nếu như công ty của cô ấy chọn sử dụng màn hình sapphire thì chi phí sẽ cao hơn gấp 10 lần so với số tiền mà Nokia chi cho màn hình Gorilla Glass. Nó cũng khiến thiết kế sản phẩm bị hạn chế rất nhiều bởi màn hình sapphire bắt buộc phải phẳng.

vertu-sapphire.

Một vấn đề khác nữa với sapphire đó là tính giòn. Như lời Scott Croyle thì khi HTC thực hiện một số bài thử nghiệm thả rơi máy, những vật liệu như sapphire hay sứ sẽ bị vở thành hàng trăm mảnh, gây nguy hiểm cho người dùng.

Mặc dù có nhiều rào cản là thế nhưng Vertu đã có kinh nghiệm làm màn hình sapphire cho các điện thoại của họ trong gần 15 năm qua. Chiếc Vertu Constellation hiện tại với màn hình 4,3" cũng có một lớp sapphire mỏng phủ lên trên lớp cảm ứng và lớp hiển thị. Tuy nhiên, khác với Apple, giá của chiếc Constellation lên đến cả vài nghìn đô la, trong khi iPhone chỉ khoảng vài trăm đô mà thôi.

Vậy liệu nhà máy ở Arizona sẽ thật sự tăng tốc độ sản xuất và cải thiện sản lượng đến một mức mà sapphire có thể thay thế cho lớp kính trên màn hình iPhone hay không? Các nhà khoa học vật liệu và nhiều nhà phân tích ở mảng di động nhận xét rằng điều này khó trở thành hiện thực ngay trong năm nay. Thay vào đó, họ tin rằng Apple sẽ dùng sapphire cho nút home, ống kính máy ảnh hoặc dùng làm lớp bảo vệ màn hình cho chiếc iWatch được đồn đại bấy lâu nay.

Lịch sử của Apple đã cho thấy rằng họ là một công ty có nhiều khát vọng điên rồ và họ sẵn sàng đầu tư nhiều tiền bạc để có được nhũng mong muốn đó. Điểm khác biệt mà công ty đang thực hiện với sapphire đó là những đối thủ khác sẽ rất khó mà sao chép được công nghệ sản xuất và ứng dụng của Apple. Apple đang tạo ra một chuỗi cung ứng mới mang tính tích hợp cao hơn và chỉ những tập đoàn khổng lồ như Samsung mới có thể đuổi theo.

Đọc thêm: Màn hình phủ kính bảo vệ sapphire, viên đá quý mới cho thị trường smartphone?

Nguồn: The Verge