Một số điều cần biết về việc đăng nhập vào Windows 8.1
Windows 8 và 8.1 là một trong những bản thay đổi rất lớn đối với Windows, ngay cả quy trình đăng nhập vào hệ thống cũng cực kì khác so với các thế hệ trước đó. Ngoài việc sử dụng tài khoản nội bộ trên thiết bị, chúng ta còn có thể xài thêm tài khoản Microsoft để đăng nhập và đồng bộ hóa nội dung, thiết lập tài khoản khách cùng nhiều thứ hay ho khác. Bài viết ngày hôm nay sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích để bạn có thể hiểu và tinh chỉnh tốt hơn việc đăng nhập vào chiếc máy tính của mình nhé.
Tài khoản Microsoft vs Tài khoản nội bộ
Windows 8.1 được tích hợp chặt chẽ với các dịch vụ Internet của Microsoft hơn bao giờ hết. Khi thiết lập hệ thống lần đầu tiên, bạn có thể chọn giữa việc sử dụng tài khoản Microsoft hoặc tài khoản nội bộ tùy nhu cầu. Mặc định thì Windows 8.1 sẽ cho bạn dùng Microsoft account trừ khi bạn nhấn vào dòng "Sign in without a Microsoft account (not recommended)".
Vậy tài khoản Microsoft là gì? Nó chính là tài khoản Outlook.com, tài khoản Xbox, Hotmail hoặc Live Mail của bạn. Những tài khoản này sẽ liên kết chặt chẽ với các dịch vụ online như OneDrive, Outlook và nó cũng được dùng để đồng bộ hóa thiết lập của PC. Nếu bạn muốn tải về các ứng dụng của Windows 8/8.1 từ Windows Store thì cũng phải nhờ đến Microsoft account, và bạn có thể sử dụng thông tin đăng nhập này trên bất kì máy tính Windows 8.1 nào.
Trong khi đó, tài khoản nội bộ (local) là tài khoản người dùng Windows truyền thống như từ trước đến nay chúng ta hay xài. Thông tin về tên và mật khẩu sẽ được lưu trên thiết bị của chúng ta, không phải trên máy chủ của Microsoft. Nếu chỉ đăng nhập bằng loại tài khoản này, bạn sẽ không thể truy xuất các tập tin chứa trong OneDrive, đồng bộ hóa dữ liệu cũng như không tải được phần mềm từ Store.
Vậy nếu bạn lỡ chọn tài khoản này và giờ cần chuyển sang dùng tài khoản kia thì sao? Bạn có thể vào thanh Charm Bar > Change PC Settings > Accounts > Other accounts > Add an account. Ví dụ, nếu đang xài tài khoản nội bộ và muốn chuyển sang dùng tài khoản Microsoft, bạn nhập địa chỉ của mình vào ô "Email Address" như hình minh họa, còn nếu muốn ngược lại thì chọn dòng "Sign in without a Microsoft account (not recommended)" ở gần cuối màn hình.
Kiểm soát con cái
Khi thêm một tài khoản mới vào máy tính, bạn có thể bật tùy chọn Family Safety cho tài khoản này. Family Safety sẽ giúp kích hoạt những tính năng giúp cha mẹ kiểm soát việc sử dụng máy tính của con mình một cách hiệu quả hơn, ví dụ như giới hạn quyền truy cập web, cài thời gian được phép sử dụng máy tính cũng như theo dõi mức độ sử dụng PC của trẻ con.
Để thiết lập những thứ kể trên, sau khi đã tạo tài khoản mới cho trẻ, bạn vào lại thanh Charm Bar > Change PC Settings > Accounts > Other accounts > Manage Family Settings online. Một trang web sẽ mở ra, sau đó bạn tiến hành đăng nhập bằng tài khoản của mình rồi chọn lấy tài khoản cho trẻ ở mục "Children". Một số tính năng chính như sau:
- Activity Reporting: xem các trang web đã ghé thăm, các game đã chơi và thời gian tài khoản trẻ con này sử dụng PC
- Web filtering: thiết lập mức độ lọc trang web có nội dung xấu. Bạn cũng có thể bổ sung các trang web không muốn cho con cái truy cập vào một danh sách đen.
- Time limits: cài đặt thời gian mà tài khoản trẻ em có thể sử dụng máy tính mỗi ngày. Bạn có thể tùy biến con số đó cho từng ngày một trong tuần luôn.
- App restrictions: chọn những phần mềm nào mà tài khoản trẻ con được phép sử dụng.
- Game restrictions: tương tự như trên nhưng áp dụng cho game.
- Requests: khi tài khoản trẻ em sử dụng một tính năng nào đó nhưng bị khóa, họ có thể yêu cầu bạn mở khóa tính năng và những yêu cầu này sẽ xuất hiện trong mục Requests để bạn chấp thuận hoặc bác bỏ.
Đăng nhập với mã PIN hoặc Picture Password
Ngoài việc sử dụng mật khẩu truyền thống cho tài khoản của mình, bạn có thể đăng nhập vào máy tính của mình bằng cách nhập mã PIN hoặc vẽ vài đường nét lên một tấm ảnh chọn trước (Picture Password). Mã PIN thì đơn giản rồi, bạn sẽ được yêu cầu thiết lập một mật khẩu bao gồm 4 chữ số để nhanh chóng đăng nhập vào PC mà không phải nhập mật khẩu dài dòng như những gì chúng ta thường hay làm trước đây.
Trong khi đó, tính năng Picture Password thì cho phép bạn chọn một tấm ảnh ưa thích, sau đó vẽ 3 đường nét mong muốn lên 3 vị trí trên ảnh. Chỉ khi nào đường nét và vị trí chính xác thì máy mới được unlock để tiếp tục sử dụng. Picture Password thuận tiện với những bạn nào đang dùng tablet Windows 8/8.1 không muốn gõ gõ liên tục lên màn hình chỉ để mở khóa máy, thay vào đó bạn có thể tận dụng tối đa màn hình cảm ứng của thiết bị. Tất nhiên các bạn dùng PC truyền thống với chuột thì cũng vẫn dùng được Picture Password như bình thường, không có vấn đề gì.
Để thiết lập một trong hai chế độ, bạn vào Charm Bar > Change PC Settings > Accounts > Sign-in options. Trước khi thiết lập, bạn sẽ được yêu cầu nhập mật khẩu đầy đủ của account hiện tại để đảm bảo bạn là "chính chủ" của chiếc máy tính. Sau đó thực hiện từng bước như trên màn hình là xong.
Trust This PC
Sau lần đầu tiên đăng nhập vào máy tính bằng tài khoản Microsoft, máy sẽ hỏi bạn có muốn "Trust This PC" hay không. Tính năng này là một biện pháp bảo mật mới của Microsoft nhằm xác minh rằng chiếc máy tính bạn vừa đăng nhập là máy của bạn và nó hoàn toàn đáng tin cậy. Còn nếu bạn không nhấn vào nút Trust This PC thì server Microsoft sẽ đối xử với máy như một thiết bị lạ, trong tình huống này mật khẩu và cấu hình cài đặt của bạn sẽ không được đồng bộ xuống, đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân. Nên nhớ, bạn chỉ được nhấn vào dòng Trust This PC khi đó là một chiếc máy tính mà bạn có quyền kiểm soát, không phải máy của người khác hay một chiếc PC ngoài tiệm net.
Tài khoản khách
Windows 8.1 hỗ trợ chúng ta tạo một tài khoản khách. Bạn có thể bật tài khoản này bằng cách vào Control Panel > Change Account Type > nhấp đôi chuột vào chữ Guest > nhấn nút Turn On. Kể từ đây trở đi, bạn (hoặc một người nào đó) có thể đăng nhập vào máy tính mà không cần nhập mật khẩu, tất nhiên là họ sẽ phải chọn tài khoản Guest ở màn hình chào mừng. Tài khoản dạng này có quyền truy cập rất hạn chế vào hệ thống và họ chỉ được phép chạy các ứng dụng cơ bản mà thôi. Tập tin, thư mục được khóa mật khẩu cũng như trình cài đặt máy tính sẽ không hiện diện nên chúng ta có thể đảm bảo khách sẽ không vào "quậy" chiếc PC yêu dấu của mình.
Assigned Access
Đây là một tính năng khá tuyệt của Windows 8.1 bởi khi được kích hoạt, những tài khoản được "gán quyền truy cập" chỉ có thể chạy một ứng dụng duy nhất, họ không thể táy máy bật các app khác lên. Và anh em lưu ý, app này phải là app tải từ Windows Store về, không phải ứng dụng desktop truyền thống. Ví dụ, bạn có thể thiết lập cho tài khoản của nhân viên bán hàng chỉ được chạy ứng dụng máy tính, thiết lập cho tài khoản của thằng bạn chỉ được vào Internet Explorer. Vâng vâng và vâng vâng. Tình huống sử dụng ra sao thì tùy anh em áp dụng, còn cách bật thì vào Charm Bar > Change PC Settings > Accounts > Other accounts > Set up account for assigned access. Ở đây bạn chỉ cần chọn tài khoản và chọn một app là xong.
Màn hình khóa
Windows 8.1 có hiển thị một màn hình khóa trước khi bạn đăng nhập, nhưng thành thật mà nói thì màn hình này phù hợp hơn với tablet, chứ còn trên PC thì nó giống như một bước khó chịu khiến chúng ta mất thời gian. Nếu bạn không quan tâm đến việc xem nhanh một số thông báo được hiển thị trên lockscreen, bạn có thể ẩn vĩnh viễn thành phần này để mỗi khi bạn bật máy lên thì sẽ vào thẳng giao diện đăng nhập.
Để làm chuyện này, bạn nhấn Windows + R, gõ vào chữ GPEdit.msc, nhấn Enter. Trong cửa sổ mới xuất hiện, ở bảng bên tay phải, chọn Adminstrative Templates > Control Panel > Personalization. Nhìn sang bên phải bạn sẽ thấy một dòng ghi là "Do not display the lock screen". Nhấn đúp vào đó, chọn Enable, nhấn OK và thử khởi động lại máy để xem kết quả.
Đăng nhập tự động
Nếu làm theo hướng dẫn ngay phần trên thì bạn chỉ mới bỏ lockscreen đi thôi chứ vẫn phải nhập mật khẩu để có thể sử dụng máy. Nếu muốn tự động hóa hẳn bước đăng nhập thì bạn tiếp tục nhấn Windows + R, gõ vào chữ netplwiz rồi Enter. Hộp thoại User Account Control sẽ hiện lên, bạn bỏ tùy chọn "User must enter a password...". Khi được hỏi mật khẩu người dùng, bạn nhập lại password và OK là xong. Từ giờ trở đi, khi bật máy lên là nó sẽ chạy thẳng vào Windows luôn.