Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Ống kính manual focus - quay tay mệt mà sướng

Tham gia Tinh Tế và facebook nhóm Camera Tinh Tế miền Tây đã lâu, nay mình xin chào sân với bài viết lượm lặt về thú vui "quay tay", chơi ống kính manual focus (MF) cổ. Bài viết chỉ là lượm lặt những gì mình biết về ống kính MF, một số loại ống MF mình đã chơi qua chứ chưa phải là một bài tổng hợp đầy đủ về thể loại này. Ngoài ra, mình chỉ chơi ống kính MF trên máy số, nên chỉ viết những gì được trải nghiệm ống MF trên máy số, máy phim thì mình chưa thử qua.

Hiện nay trong thời đại công nghệ ảnh số phát triển, nhiều người chơi ảnh số lại có một thú vui "bán cổ điển", đó là sử dụng ống kính MF cổ trên thân máy số hiện đại, hình thức kết hợp này nghe có vẻ hơi bất hợp lý, nhưng đối với một số người thì nó lại có một sức hút mới lạ và độc đáo.

Trừ các dòng ống kính MF hiện đại như Carl Zeiss, Voigtlander, Leica ngày nay vẫn còn sản xuất mình không đề cập đến, hầu hết các ống kính MF được xem là cổ khi được thiết kế, sản xuất từ thời máy phim SLR hoặc rangefinder từ những năm 1980 trở về trước. Một vài ống MF cổ thường có một số đặc tính độc, lạ mà ống kính AF ngày nay không có được: bokeh xoáy, bokeh viền bong bóng, bokeh tròn do cấu tạo nhiều lá khẩu, flare....Và để tận dụng những đặc tính đó, ngày nay có nhiều loại ngàm chuyển đổi (mount, adapter) để gắn các ống MF cổ trên thân máy số được sản xuất phục vụ cho thú chơi này. Các loại ngàm ống kính MF cổ phổ biến như Nikon F, Canon FD, Minolta SR, M42, Olympus OM, Pentax K, Contax C/Y...

Không cần nhiều tiền, bạn cũng có thể quay tay và ...sướng

[​IMG]


Trước tiên, ta cần tìm hiểu một chút về các loại ngàm ống kính nào có thể cắm thông qua ngàm chuyển lên thân máy ảnh số để sử dụng một cách bình thường. Ở đây mình chỉ đề cập các dòng máy số phổ biến và ống kính MF phổ biến.

- Với thân máy Nikon F: thật buồn là chỉ có thể sử dụng các ống kính MF ngàm Nikon F, hầu như các loại ống kính ngàm khác khi qua ngàm chuyển để gắn lên thân máy Nikon đều bị "cận", tức là chỉ lấy nét, "nhìn rõ" những vật ở gần, không lấy nét được khoảng cách xa như bình thường. Giải pháp là trên ngàm chuyển sẽ gắn thêm 1 thấu kính chống cận, tuy nhiên sẽ làm giảm chất lượng ảnh ít nhiều, phụ thuộc vào chất lượng của thấu kính chống cận này.

- Với thân máy Canon EOS: Đây được xem là thân máy DSLR "dễ chịu", hầu như các loại ngàm ống kính của các hãng khác nhau đều có thể cắm lên thân máy Canon EOS qua ngàm chuyển đổi mà không cần thấu kính chống cận. Các ống phổ biến cắm được có ngàm Nikon F, Pentax K, Olympus OM, M42, Leica R, Contax C/Y...

- Với thân máy Sony, Pentax: chỉ có thể dùng ngàm chuyển M42, các ngàm khác đều bị cận nếu không có thấu kính.

- Với các thân máy không gương lật như Sony ngàm E, Fujifilm X, Olympus - Panasonic Micro four thirds thì hầu như các loại ngàm ống kính phổ biến đều có thể "ăn nằm" chung chạ được mà không bị tình trạng cận thị.

Để tìm hiểu chi tiết tại sao có ngàm dùng được, có ngàm bị cận.. có 2 vấn đề liên quan: đó là flange focal distance và kết cấu cơ khí của ngàm lens và ngàm body. Các bạn có thể tìm hiểu ở link sau http://en.wikipedia.org/wiki/Flange_focal_distance

Về ngàm chuyển, thường sẽ có 2 loại: loại "trơn" và loại có gắn chip báo nét.

[​IMG]




Trong các loại ống kính MF, ống kính M42 là loại ống kính phổ biến nhất. Đây là một loại ống kính máy ảnh sử dụng ngàm ren xoáy có đường kính 42mm được dùng trên các thân máy phim SLR, được hãng Carl Zeiss của Đức phát triển từ những năm 1950 và nhiều hãng khác sản xuất phổ biến sau đó.

[​IMG]

Một số dòng ống kính M42 phổ biến được nhiều người săn tìm sử dụng như:
- Carl Zeiss 20mm f2.8, 35mm f2.4, 50mm f1.8, 80mm f1.8, 135mm f3.5... nổi tiếng về độ nét, màu sắc, tương phản tốt
- Pentax Takumar (Super, S-M-C, SMC Takumar) 55mm f1.8, 50mm f1.4, 100mm f2.8, 135mm f2.5...màu sắc ấm, thiên về tone vàng, độ nét tốt, giá rẻ hơn Carl Zeiss, dòng này đa số đều có vòng focus nhẹ tay hơn các lens Đức
- Pentacon 50mm f1.8, 135mm f2.8...giá rẻ, phù hợp các bạn mới tập chơi MF
Các lens trên có thể được mua với giá từ 500.000 đồng đến 5-6 triệu tùy vào hình thức còn đẹp hay xấu.

Hiện nhiều hãng sản xuất máy ảnh nắm bắt xu thế sử dụng ống kính MF trên máy số của người dùng, họ đã đưa vào thân máy một số tính năng hỗ trợ MF như focus peaking color, (Sony NEX ngàm E, Fujifilm X, Sony alpha SLT...), split image (Fujifilm X-T1...) giúp cho việc lấy nét thủ công trở nên dễ dàng. Đối với thân máy Canon EOS thì có sự hỗ trợ của...bên thứ 3, là các nhà sản xuất ngàm gắn chip báo nét, tuy chưa thật sự dễ lấy nét nhưng cũng giúp người dùng đỡ "hại mắt" khi lấy nét thủ công.

Điểm bất tiện của các ống kính MF cổ lắp trên máy số đó là chỉ chụp được với 2 chế độ là M và A (một số dòng máy không đo sáng ở mode A chỉ có thể chụp ở mode M). Người chơi muốn bức ảnh được đúng nét phải nhìn vào ống ngắm hoặc màn hình LCD thật kỹ để xoay vặn rồi bấm nút.




Một số ảnh mình chụp với các ống kính MF cổ giá rẻ

[​IMG]
Tập trung quay tay nhưng mắt thì vẫn phải nhìn mẫu để bắt đúng khoảnh khắc
Ảnh chụp trên Sony NEX 3, ống kính M42 Pentacon 135mm f2.8 (giá thị trường khoảng 1,5 triệu)

[​IMG]
Ảnh chụp trên Sony A57, ống kính M42 Carl Zeiss 35mm f2.4 (giá thị trường khoảng 2,5-3 triệu)

[​IMG]
Ảnh chụp với Sony NEX 3, lens Minolta MD 50mm f3.5 macro 1:2 (giá thị trường khoảng 2 triệu)
Ống kính MF cũng thuận lợi khi chụp cận cảnh do góc quay của vòng focus lớn, giúp lấy nét tay chính xác, đôi khi AF lại không tiện bằng

[​IMG]
Ảnh hạt đường cát to bằng đầu tăm, đã crop lại, chụp với lens M42 Super Takumar 55mm f1.8 gắn ống nối - giá lens và ống nối cộng lại khoảng 1 triệu
Chỉ cần mua thêm cái ống nối gọi là extension tube giá khoảng 300.000đ, gắn vào giữa ống kính và thân máy ảnh, là ta có ống kính macro giá rẻ chơi với thể loại macro.

[​IMG]
Ảnh chụp với ống Vivitar Series 1 70-210mm f2.8-4 nặng khoảng 700gr (giá khoảng 2 triệu)
Đa số ống kính MF là ống cố định 1 tiêu cự, khi đã thuần phục em nó, bạn có thể thử sức với ống kính zoom có trọng lượng nặng tay hơn và dĩ nhiên là phải chịu khó xoay 2 lần: xoay zoom rồi lại xoay nét.

Tất cả ống kính MF đều ngon bổ rẻ?

Khi mới đến với thế giới ống kính MF, nhiều người nói với bạn đó là những ống kính ngon bổ rẻ, cũng có phần đúng với một số ống như đã kể trên. Nhưng khi đã "nghiện" rồi, thì bạn sẽ phải chuẩn bị hầu bao kha khá cho những ống kính độc, lạ, hiếm...mang tính vừa chơi vừa sưu tầm. Mình thì chỉ chơi đam mê cho vui, hầu bao có hạn nên xin mạn phép không đề cập đến những ống kính MF quá đắt tiền như Leica, Zeiss...

Một số ống kính độc, lạ mà mình có dịp được biết qua, xin giới thiệu với các bạn.

Meyer Optik 100mm f2.8 sản xuất tại Tây Đức khoảng 1966: ống kính có 15 lá khẩu, gần như tròn ở mọi khẩu độ, cho bokeh có viền bong bóng phát sáng:

[​IMG]
[​IMG]

[​IMG]


Helios 44m 58mm f2
do Liên Xô sản xuất: lens giá rẻ, cho bokeh xoáy:

[​IMG]

[​IMG]

Helios 40-2 85mm f1.5: độ nét và nổi khối tốt, cho bokeh xoáy, hiện nhà máy ở Nga đã sản xuất lại dòng lens này:

[​IMG]
[​IMG]


Có thể nêu ra một số lý do khiến ống kính MF hiện nay nhận được sự quan tâm trở lại:

Thứ nhất: Đây là loại ống kính có giá thành thấp. Ví dụ, các ống kính fix MF có tiêu cự từ 50-60mm, độ mở f1.7-f2.0 có giá trên dưới 500.000 đồng trong khi ống kính AF tương đương có giá 1,5 - 2 triệu đồng. Ống kính MF 50mm f1.4 có giá khoảng 1.500.000 đồng, trong khi ống AF tương đương có giá từ 5 - 6 triệu đồng.

Thứ hai: so với ống kính AF, độ bền vật lý của ống kính MF phần lớn là rất tốt. Thân ống MF làm bằng kim loại rất chắc chắn, thấu kính của một số hãng được tráng phủ kỹ càng, tuổi thọ lâu dài. Thậm chí có những ống kính MF có chất lượng quang học tuyệt hảo như Carl Zeiss 50mm f1.4 T*, 135mm f2.8 T*...

Thứ ba: các dòng máy không gương lật với khả năng tương thích gần như đa số các ống kính MF cổ, đã làm sống lại những ống kính MF cổ một thời được xem là "rác", do không dùng được ở thời kỳ đầu chuyển qua thời đại máy ảnh số.

Nguyên nhân cuối cùng, và cũng có thể là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự trở lại của ống kính MF: việc sử dụng ống kính MF cổ điển đem lại cho người chụp một cảm giác lãng mạn hoài cổ, một niềm vui khó tả khi tạo ra được những tác phẩm đẹp bằng chính bàn tay, con mắt của mình thay vì bằng những motor điện tử vô tri.

Bài viết có sử dụng một số tư liệu, hình ảnh sưu tầm trên internet và ảnh mình tự chụp